Họp cộng đồng tại thôn A Tia 1 huyện A Lưới.
Họp thông qua quy chế quản lý rừng cộng đồng gắn với Phương án quản lý rừng bền vững tại hai thôn Cân Tôm và A Tia 1 huyện A Lưới.
Theo đề án giao rừng 430 (QĐ430/QD-UBND) của tỉnh Thừa Thiên Huế, đến cuối năm 2015 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 31.626,8 ha rừng tự nhiên được giao cho 88 cộng đồng, 225 nhóm hộ, 157 hộ gia đình quản lý và 02 đồn biên phòng quản lý một số diện tích rừng nằm xa khu dân cư, sát biên giới Việt – Lào.
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý rừng cộng đồng, thông qua việc hướng dẫn người dân thực hiện các chính sách lâm nghiệp lồng ghép với kiến thức bản địa truyền thống, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 62/2019/QĐ-UBND về Quy chế Quản lý rừng cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Để hỗ trợ triển khai thực hiện quyết định này, trung tâm CORENARM phối hợp với Hạt kiểm lâm huyện A Lưới hướng dẫn cộng đồng hai thôn Cân Tôm (xã Hồng Hạ) và A Tia 1 (xã Hồng Kim) xây dựng Kế hoạch quản lý rừng cộng đồng gắn với Phương án quản lý rừng bền vững. Đồng thời, cộng đồng ở hai thôn này cũng đã thông qua được Quy ước quản lý rừng cộng đồng giúp cụ thể hoá các quy định cụ thể giúp quản lý hiệu quả các diện tích rừng tự nhiên được giao.

Trong khoảng thời gian 3 tháng (từ tháng 6-9/2020), nhiều cuộc họp lấy ý kiến của cộng đồng thông qua các kết quả khảo sát hiện trạng, xây dựng kế hoạch quản lý, và thảo luận về quy ước đã được tổ chức. Đến nay, Phương án quản lý rừng bền vững (QLRBV) 05 năm giai đoạn 2021-2025 kèm theo Kế hoạch quản lý, bảo vệ và phát triển rừng hằng năm, Quy ước quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cộng đồng đã được hai thôn thông qua vào cuối tháng 9/2020.
Việc tham gia tích cực vào xây dựng Phương án QLRBV, Kế hoạch và Quy ước Quản lý rừng cộng đồng đã giúp người dân trong thôn nhận biết được vai trò quan trọng của tài nguyên rừng, nhận diện cụ thể hiện trạng tài nguyên rừng được giao để phát huy sức mạnh cộng đồng trong phát triển các mô hình sinh kế, tăng thu nhập cho cộng đồng, đồng thời bảo vệ hiệu quả môi trường sinh thái và đa dạng sinh học. Thông qua việc xây dựng thí điểm phương án QLRCD ở hai thôn này, Trung tâm CORENARM đang phối hợp với các đơn vị có liên quan thu thập ý kiến và đề xuất kiến nghị bổ sung, điều chỉnh giúp việc triển khai QĐ 62 thiết thực và hiệu quả trong quản lý các diện tích rừng đã giao cho cộng đồng trước đây.
Tác giả: Nhóm CORENARM.
Bạn phải đăng nhập để bình luận.