Cộng đồng quản lý và bảo vệ rừng tự nhiên: “Đâu là động lực?”

Thành viên nhóm nghiên cứu (Chị Kiều – đứng viết) và bà con đang thảo luận về những khó khăn và bất cập trong việc bảo vệ rừng cộng  đồng

Từ ngày 22 tháng 11 đến ngày 30 tháng 11, Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Quản lý Tài nguyên đã thực hiện các cuộc họp cộng đồng tại 02 huyện Nam Đông và A Lưới. Đây là một hoạt động nằm trong hợp phần kinh tế – xã hội của dự án FTViet. Ý nghĩa của các cuộc họp cộng đồng nhằm tìm hiểu đâu là động lực để cộng đồng tham gia hiệu quả hoạt động Quản lý và Bảo vệ RừngTự nhiên (QL&BV RTN).

Tại các cuộc họp thôn, nhóm nghiên cứu cùng với cộng đồng thảo luận về thực trạng hoạt động quản lý và bảo vệ rừng tự nhiên, những lợi ích từ  rừng tự nhiên mang lại, những khó khăn, thách thức cộng đồng đang phải đối mặt và các đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả trong việc QL&BV RTa.

Kết quả của 12 cuộc họp thôn, nhóm nghiên cứu ghi nhận vắn tắt một số vấn đề trong QL&BV RTN của các cộng đồng như sau:

  • Tất cả cộng đồng đều nhận thức được tầm quan trọng và các lợi ích rừng tự nhiên mang lại về cả kinh tế (chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, thu nhập từ lâm sản ngoài gỗ), môi trường (bảo vệ nguồn nước, chống sạt lỡ, lũ quét, điều hoà không khí…) và xã hội (tạo thêm việc làm và thu nhập từ bảo vệ rừng, được nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng tự nhiên do các dự án hỗ trợ…);
 Bà con đang thảo luận về diện tích của rừng cộng động được giao
  • Cộng đồng không có quyền xử lý các vi phạm diễn ra trên diện tích rừng đang quản lý và bảo vệ. Điều này khiến cộng đồng không chủ động và tự chủ trong hoạt động QL&BV RTN;
  • Cộng đồng chưa thật sự hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ đi đôi với khung pháp lý quy định hiện hành, nên người dân nhận rừng hầu như không đủ tự tinkhông đủ động lực để quản lý và bảo vệ rừng được giao. Đây là lý do khiến sự tham gia của cộng đồng với vai trò là chủ rừng khá mờ nhạt.
  • Cần tăng cường hiệu quả cơ chế phối hợp giữa cộng đồng và các ban ngành liên quan trong việc QL&BV RTN.
  • Phát triển các mô hình sinh kế phù hợp với văn hoá, tập quán của cộng đồng địa phương, nhằm nâng cao thu nhập của cộng đồng và giảm phụ thuộc vào rừng tự nhiên.

Từ những ghi nhận trên chúng ta cũng có thể thấy rõ rằng để bảo vệ tốt rừng cộng đồng cần phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa bà con và các bên liên quan. Vậy hãy cùng chung tay vì màu xanh của tương lai.

Nguồn: CORENARM