Lưu vực được che phủ rừng tự nhiên (nước trong), che phủ bởi rừng trồng (nước đục)
Trong khuôn khổ các hoạt động của dự án FTViet, Nhóm nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Quản lý Tài nguyên cùng với chuyên gia đến từ Đại học Laussane, Thụy sĩ đã triển khai hoạt động khảo sát thực địa trên một số sông, suối thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, từ ngày 25/10-07/11. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành lấy dữ liệu độ ẩm trong đất tại khu vực rừng trồng và rừng tự nhiên, một số thông số thuỷ văn (độ sâu, áp suất, nhiệt độ, tốc độ dòng chảy) và dữ liệu lượng mưa tại một số khu vực đại diện cho địa bàn nghiên cứu. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng đã thu thập thêm một số mẫu nước suối trong các ngày mưa lớn để xác định khối lượng lắng đọng các tạp chất trong nước.
Đây là một hoạt động đình kỳ trong hợp phần nghiên cứu về thủy văn của dự án. Chuyến khảo sát lần này phụ thuộc rất nhiều vào điệu kiện thời tiết, với kế hoạch được chia thành 2 đợt. Đợt 1, nhóm nghiên cứu khảo sát hiện trường, đo đếm thu thập dữ liệu trong điều kiện thời tiết khô ráo, không mưa. Đợt 2 tiến hành trong điều kiện thời tiết có mưa lớn, mực nước lên cao.
Mục đích của chuyến khảo sát nhằm so sánh và đánh giá sự biến động các thông số thuỷ văn của các lưu vực tại 2 thời điểm khác nhau. Đó là cơ sở để đánh giá vai trò của rừng trồng và rừng tự nhiên trong việc điều tiết dòng chảy và chất lượng nước trong các điều kiện thời tiế khác nhau.
Thông qua quan sát thực tế trên hiện trường, tại cùng một thời điểm trong ngày mưa lớn, cho thấy các suối thuộc lưu vực được che phủ rừng tự nhiên nước tương đối trong, sạch. Ngược lại, các suối thuộc lưu vưc chủ yếu được che phủ bởi rừng trồng thì màu nước rất đục, nhiều đất đá và cát sạn cuốn theo.
Qua đây, phần nào có thể thấy vai trò quan trọng của rừng tự nhiên trong việc bảo vệ và duy trì ổn định chất lượng nguồn nước. Vì vậy, mỗi chúng ta hãy hành động ngay trong việc bảo vệ rừng tự nhiên
Author: D.Dien