Sau những vụ cháy rừng đến sự bùng nổ của Covid 19, năm nay đã đặt ra rất nhiều thách thức đối với sức khỏe của con người và của cả hành tinh chúng ta. Hơn bao giờ hết, bây giờ rừng đóng vai trò rất quan trọng.
Vào Ngày quốc tế về rừng (21/3), Liên minh giữa Bioversity International và CIAT vạch ra những phương pháp nghiên cứu để đảm bảo phục hồi và giúp bảo tồn các khu rừng hiệu quả hơn, với những ví dụ từ những dự án của Liên minh trên khắp thế giới.
Theo báo cáo của FAO, có đến 80% đa dạng sinh học trên cạn trên thế giới nằm trong rừng và hơn một tỷ người trên hành tinh này sống dựa vào rừng để lấy thức ăn, nơi ở, nguồn năng lượng và thu nhập.
Tuy nhiên, thật đáng buồn khi nạn phá rừng, sự suy thoái đất và biến đổi khí hậu hiện đang là các mối đe dọa chưa từng có đối với những khu rừng đa dạng sinh học, vốn đảm nhận vai trò to lớn giúp phục hồi môi trường và xã hội. Nạn phá rừng và mất đa dạng sinh học đang khiến con người tiếp xúc gần hơn với các loài động vật là vật chủ tự nhiên của vi khuẩn và vi rút, tạo điều kiện cho việc truyền các bệnh như bệnh Lyme hoặc COVID-19 từ động vật hoang dã sang người.
Vào lúc này, khi các tập quán sinh thái trên toàn cầu đang bị phá vỡ, chúng ta cần có những nghiên cứu cụ thể để hỗ trợ cho những tập quán tốt hơn. Trong một số dự án ở Châu Á, Châu Phi và Mỹ Latin, Liên minh Bioversity International và CIAT cùng với những đối tác đang xúc tiến để hiểu rõ hơn về mức độ rủi ro đối với các hệ sinh thái rừng cá lẻ, giải thích tầm quan trọng của các dịch vụ hệ sinh thái do các khu rừng này cung cấp, và thúc đẩy những nỗ lực nhằm bảo tồn và phục hồi những khu rừng này.
Bản đồ các mối de dọa
Để bảo vệ rừng, chúng ta cần hiểu đâu là mối đe dọa cao nhất. Ở Nam Mỹ, một dự án của Liên minh tập trung vào nghiên cứu rừng khô nhiệt đới, một hệ sinh thái đặc hữu đặc biệt chỉ có ở các vùng của Peru, Ecuador và Colombia.
Trong một bài báo vừa xuất bản, nghiên cứu của Liên minh cho thấy rằng nhóm 50 loài trong hệ sinh thái này đang phải đối mặt với những mối đe dọa đáng kể. Trong đó, mối đe dọa đáng chú ý nhất là việc thay đổi sử dụng đất của người dân, hơn 40% đất rừng khô nhiệt đới đã bị chuyển đổi sang đất nông nghiệp.
Một kết quả tương tự cũng được ghi nhận ở Đông Nam Á, nơi các nhà nghiên cứu của Liên minh đã tạo ra các bản đồ phân bố và mối đe dọa cho 65 loài cây bản địa trong khu vực có liên quan đến kinh tế và xã hội. Sáng kiến này nhằm “Thiết lập một hệ thống thông tin và tài nguyên di truyền cho các loài cây bản địa châu Á” (APFORGIS). Dự án được thực hiện ở quy mô chưa từng có, với hơn 40 cộng tác viên từ 15 quốc gia. Kết quả cho thấy 38% diện tích phân bố của các loài này đã bị mất hoặc xuống cấp.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng không quên nhìn về tương lai. Họ đã phát hiện rằng những cây họ Dầu (Dipterocarpaceae) – nguồn gỗ quan trọng và tích trữ carbon giá trị – có thể bị mất đến 80% số lượng trong 30 năm tới do chuyển đổi sử dụng đất, nếu không có các biện pháp bảo tồn.
Dịch vụ sinh thái
Hiểu về những đe dọa mà con người gây ra cho rừng là rất quan trọng, nhiều nhóm cộng đồng yếu thế cũng cần tiếp cận tài nguyên rừng và do vậy, thay đổi sử dụng đất (rừng) thường được giải thích bởi do cải thiện sinh kế địa phương qua canh tác nông nghiệp.
Đó là lý do tại sao Liên minh đưa ra sáng kiến trên toàn cầu để phản ánh đúng giá trị của các hệ thống nông lâm kết hợp, trong đó rừng hỗ trợ thụ phấn, kiểm soát dịch hại sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái khác khi được tích hợp với sản xuất các loài cây nông nghiệp có giá trị.
Ở Nam Mỹ, các nhà nghiên cứu Liên minh đang đánh giá cách thức các loài chim, dơi, động vật chân đốt và kiến từ các khu rừng xung quanh giúp cải thiện năng suất của các trang trại ca cao Peru (Theobroma cacao). Trong nghiên cứu này, họ tập trung vào các giống cacao bản địa vì chúng không chỉ là nguồn gen quan trọng mà còn là cơ hội kinh tế cho những người nông dân sản xuất nhỏ có thể kiếm được nhiều hơn khi bán cacao chính gốc.
Bảo tồn và phục hồi
Một trong những ưu tiên chính trong các sáng kiến của Liên minh đó là nâng cao/chuyển giao năng lực cho địa phương thông qua các công cụ khoa học. Kết quả của nghiên cứu lập bản đồ các mối đe dọa được thực hiện ở Nam Mỹ và châu Á hiện đang được tổng hợp thành các nền tảng trực tuyến hỗ trợ cho việc lập kế hoạch các dự án bảo tồn và phục hồi.
Công cụ đa dạng trong phục hồi rừng (D4R) do các nhà nghiên cứu của Liên minh phát triển cho rừng khô nhiệt đới ở Colombia năm 2016, nay đang được mở rộng để áp dụng ở Peru và Ecuador. Đây là công cụ miễn phí giúp khuyến nghị trồng rừng phục hồi, tập trung chính vào đa dạng loài phù hợp với địa điểm và mục đích của dự án. Một thiết kế/công cụ tương tự cũng đang được phát triển cho các nghiên cứu về phân bố và lập bản đồ các mối đe dọa (đối với loài cây bản địa) ở Đông Nam Á.
Đào tạo là một hợp phần quan trọng khác giúp Liên minh hỗ trợ công cuộc bảo tồn và phục hồi rừng toàn cầu. Liên minh đã tổ chức khóa học đầu tiên về công cụ D4R cho 140 bên liên quan đến từ các lĩnh vực công, học thuật, phi lợi nhuận và tư nhân. Tại Lào, Việt Nam và Campuchia, các nhà nghiên cứu Liên minh và đối tác đã tổ chức 10 hội thảo trong 6 tháng về các chủ đề như kế hoạch bảo tồn nguồn gen, phát triển cây giống cho các loài Giáng hương (Dalbergia spp.), một trong những loài gỗ có giá trị nhất thế giới trong dự án ”Bảo tồn nguồn gen Giáng hương cho sinh kế bền vững ở tiểu vùng Mêkong”. Bảo tồn hiệu quả các loài cây Giáng hương đã tạo điều kiện tốt cho kinh tế tiểu nông địa phương phát triển và tạo cơ hội thúc đẩy môi trường bền vững.
Quá quý giá nên không thể để mất
Trong bối cảnh diễn ra các sáng kiến và sự kiện nêu trên, mối liên hệ khăng khít nội tại về lợi ích giữa tài nguyên rừng và con người đã được chứng minh ở cả cấp độ địa phương và trên quy mô toàn cầu. Quản lý và sử dụng rừng bền vững, bao gồm các hệ sinh thái dễ tổn thương, là chìa khóa để chống lại biến đổi khí hậu và góp phần vào sự thịnh vượng và hạnh phúc của các thế hệ hiện tại và tương lai.
Gần đây, ngành nông nghiệp toàn cầu đã chứng kiến sự gia tăng các dự án hỗ trợ tập trung vào cây rừng và lâm nghiệp. Trong năm 2020, Liên minh sẽ tiếp tục các nghiên cứu về những rủi ro xảy ra với tài nguyên rừng toàn cầu và hướng sự hỗ trợ quốc tế vào các chiến lược bảo tồn và phục hồi phù hợp tại địa phương. Liên minh hiểu rằng rừng quá quý giá nên không thể để mất.
Biên dịch: Nguyễn Quỳnh
Hiệu đính: Ngô Trí Dũng