Andrew Frederick Johnson
Trong nhiều năm, các nhà bảo vệ môi trường đã kêu gọi công chúng “suy nghĩ trên toàn cầu, hành động tại địa phương” – nghĩa là, xem xét ‘tình trạng sức khỏe’ của cả hành tinh, sau đó hành động ngay tại chính cộng đồng của bạn.
Nhưng cách làm này có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Trong một nghiên cứu gần đây, tôi và các đồng nghiệp đến từ các cơ quan nghiên cứu, chính phủ và phi chính phủ đã thu thập ví dụ về các chính sách ngư nghiệp, lâm nghiệp, nông nghiệp và nhiên liệu sinh học thoạt trông có vẻ thành công ở địa phương, nhưng nếu kiểm tra kỹ hơn thì thực tế đã tạo ra các vấn đề môi trường ở nơi khác, hoặc trong một số trường hợp làm cho chúng tồi tệ hơn.
Ví dụ, trong lĩnh vực tôi đang làm về sinh thái thủy sản và quản lý, một cách để quản lý vấn đề đánh bắt vô tình (bycatch) – khi ngư dân vô tình đánh bắt phải các loài không mong muốn, chẳng hạn như cá mập, rùa biển và cá heo – là giảm quy mô đánh bắt ở địa phương. Nhưng khi Mỹ hạn chế đánh bắt cá kiếm ở Thái Bình Dương từ tháng 4 năm 2001 đến tháng 3 năm 2004 để bảo vệ rùa biển, các nhà bán buôn ở Mỹ đã nhập khẩu nhiều cá kiếm hơn từ các đội tàu của các nước khác hoạt động ở Tây và Trung Thái Bình Dương. Các đội tàu này sau đó đã đánh bắt nhiều cá kiếm hơn để đáp ứng nhu cầu gia tăng của thị trường Hoa Kỳ. Trong quá trình đó, số rùa biển bị ngư dân vô tình mắc câu đã tăng gần 3.000 con so với trước khi ban hành chính sách hạn chế nói trên.
Chúng tôi nhận thấy vấn đề này – thường được gọi là ‘rò rỉ’ hoặc ‘trượt chuyển’ (leakage or slippage) – ngày càng gia tăng và phát triển mạnh mẽ. Để giúp giải quyết, chúng tôi đã xác định cách thức giúp tránh việc triển khai các hành động chỉ chuyển tác hại môi trường từ nơi này sang nơi khác thay vì giảm bớt chúng. Chẳng hạn thuyết phục người tiêu dùng tái sử dụng các vật liệu dư thừa, chẳng hạn như gỗ tái chế, là một cách để giảm nhu cầu về vật liệu thô.
Chuyển dịch tác hại môi trường
Một khi các vấn đề môi trường được giải quyết tại địa phương, mọi người thường cho rằng chúng đã được giải quyết. Nhưng nếu nhu cầu về bất cứ thứ gì họ đang cố gắng bảo tồn – đất đai, động vật hoang dã, tài nguyên năng lượng – vẫn ở mức cao, mọi người sẽ lấy chúng từ các nguồn khác. Chính quá trình này đã gây ra thiệt hại về môi trường ở những địa điểm hoặc khu vực kinh tế ít được quản lý chặt chẽ hơn.
Các kịch bản này thường chuyển tác động từ các quốc gia phát triển sang các nền kinh tế mới nổi. Ví dụ, một nghiên cứu dựa trên dữ liệu từ năm 2001 chỉ ra rằng 31% lượng giảm khai thác gỗ ở Hoa Kỳ được chuyển sang các quốc gia kém phát triển, bao gồm các quốc gia rừng nhiệt đới ở Nam và Trung Mỹ, Đông Nam Á, Tây và Trung Phi cũng như các quốc gia ôn đới như Nga. Các công ty tìm kiếm gỗ từ các nước này để đáp ứng nhu cầu ở Hoa Kỳ và các khu vực khác trên thế giới do xuất khẩu của Hoa Kỳ giảm.
Những hiệu ứng như vậy khá phổ biến trong ngành lâm nghiệp. Một nghiên cứu ước tính rằng 42 đến 95 phần trăm lượng khai thác gỗ giảm ở các quốc gia hoặc khu vực cụ thể nào đó lại dịch chuyển đi nơi khác, bù đắp các lợi ích môi trường. Các quốc gia ít giàu hơn có thêm hoạt động kinh doanh và do vậy thường có lợi về mặt kinh tế, nhưng trong nhiều trường hợp, họ vẫn chưa kịp phát triển các chính sách giúp đảm bảo việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Hiệu ứng ‘trượt chuyển’ (slippage) cũng có thể xảy ra trong phạm vi các quốc gia. Để thúc đẩy việc quản lý rừng bền vững, Peru đã áp dụng các hợp đồng nhượng địa khai thác dài hạn (concession) bắt đầu từ năm 2002. Tuy nhiên, đến năm 2005, nạn phá rừng và các tác động vào rừng đã tăng gấp 3 đến 4 lần ở các khu vực không-nhượng xung quanh
Tương tự, vào năm 2003, Mexico đã ban hành một chương trình bảo tồn liên bang bồi thường cho các chủ đất để bảo vệ rừng. Nạn phá rừng gia tăng đáng kể trong các vùng rừng lân cận, hoặc khu vực không tham gia bồi thường.
Chương trình Dự trữ Bảo tồn của chính phủ Hoa Kỳ trả tiền cho nông dân để không tiếp tục canh tác ở những khu vực nhạy cảm với môi trường (ví dụ: xói mòn, suy thoái) và trồng các loài cây giúp phục hồi đất, cũng có thể gây ra những tác động ‘không mong đợi’ như trên. Một nghiên cứu cho thấy từ năm 1982 đến năm 1992, nông dân vùng Trung Tây (Midwest) đã bỏ hoang 17,6 triệu mẫu Anh theo chương trình này, nhưng đồng thời lại đưa vào sản xuất ít nhất 3,7 triệu mẫu Anh khác do việc bỏ ruộng trồng trọt đã làm tăng giá cây trồng. Điều này đã làm giảm đi 9% lượng nước và thiệt hại 14% lượng đất xói mòn (do gió) từ việc thu hồi đất trồng trọt ban đầu.
Xu thế tương lai
Trong một thế giới mà các thị trường ngày càng trở nên toàn cầu hóa, việc hạn chế các tác động tiêu cực đến môi trường của việc sử dụng tài nguyên là cấp thiết, thay vì chỉ chuyển chúng từ khu vực/quốc gia này sang khu vực/quốc gia khác. Có một số cách để hiện thực hoá vấn đề này.
Để đánh giá liệu một chính sách có gây tác hại đến môi trường ở những nơi khác hay không, điều quan trọng là các nhà quản lý tài nguyên thiên nhiên và các nhà hoạch định chính sách phải hiểu mối quan hệ giữa nhu cầu đối với một sản phẩm và nguồn cung của nó. Ví dụ, khi giá cả các loại gỗ tự nhiên (hardwood) cao, người tiêu dùng có ý thức về môi trường hơn hoặc những người có ngân sách tiết kiệm có khả năng sử dụng tre hoặc các vật liệu khác để làm sàn thay thế.
Tuy nhiên, một số mặt hàng lại có các tính năng độc đáo hoặc bao hàm địa vị xã hội khi sử dụng. Chẳng hạn như gỗ cẩm lai, được đánh giá cao khi sử dụng làm nhạc cụ; hay súp vi cá mập, một món ăn được nhiều người châu Á xem như một biểu tượng của sự giàu có và uy tín. Do những loại hàng hoá này thường rất hiếm, sở hữu chúng trở thành một dấu hiệu của địa vị xã hội, có thể kích thích người tiêu dùng giàu có mua thêm. Việc bảo tồn chúng có thể yêu cầu các hành động khác, chẳng hạn như đưa ra khung pháp lý đặc biệt để giúp bảo vệ các loài này.
Chính phủ và các nhóm môi trường cũng có thể sử dụng các chiến dịch tiếp thị để giảm nhu cầu đối với các nguồn tài nguyên khan hiếm, giáo dục người tiêu dùng về hậu quả của quyết định mua hàng của họ và khuyến khích các nhà sản xuất minh bạch về tác động môi trường của sản phẩm của họ. Các ví dụ bao gồm nhãn sinh thái, chương trình truy xuất nguồn gốc và hướng dẫn người tiêu dùng, đã được triển khai rộng rãi cho lâm nghiệp, thủy sản và sản phẩm nông nghiệp.
Các nghiên cứu cho thấy những công cụ như vậy có thể tạo ra lợi ích môi trường thực sự, chẳng hạn như tăng trữ lượng cá và hỗ trợ việc tạo ra các khu bảo tồn. Hầu hết những cải tiến này đều yêu cầu các ngành phải thay đổi đáng kể trước khi họ có thể tham gia các chương trình chứng nhận nói trên. Ví dụ, ngư dân cần phải thay đổi các phương thức đánh bắt truyền thống nhưng mang tính hủy diệt trước khi sản phẩm của họ có thể được chứng nhận là đánh bắt bền vững. Các chương trình này thường thành công hơn ở các nước phát triển – nơi có thể tài trợ đầy đủ cho các bước – so với các nền kinh tế mới nổi.
Tránh ảo tưởng bảo tồn
Các chính sách bảo tồn tài nguyên thiên nhiên là một công cụ cơ bản để sử dụng tài nguyên của Trái đất một cách có trách nhiệm và bền vững. Trong một thế giới mà người tiêu dùng có thể mua các sản phẩm được sản xuất ở bên kia bán cầu (i.e. ở khoảng cách xa), các chính sách này phải có được tầm nhìn vượt ra ngoài nội hàm vốn có. Nếu không, những nỗ lực thiện chí bảo tồn có thể chỉ tạo ra ảo tưởng ‘được bảo tồn’ mà thôi.
Nguồn: Theconversation.com
Dịch: DUNGNGO