Phóng sự Kỷ nguyên phục hồi rừng – Từ quan điểm đến thực tiễn hành động

Thế giới đang chuyển mình để bước vào một thập kỉ mới với các cột mốc quan trọng về phục hồi hệ sinh thái.

Ngày 1/3/2019, Đại hội đồng Liên hợp quốc tuyên bố Thập kỷ về phục hồi hệ sinh thái là giai đoạn 2021 – 2030 nhằm nhân rộng trên quy mô lớn việc phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái và bị phá hủy để chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, nguồn nước và đa dạng sinh học.

Đến năm 2021, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cũng đã lựa chọn chủ đề của Ngày Môi trường Thế giới (5/6) là “Phục hồi hệ sinh thái” nhằm tập hợp sự đoàn kết của các quốc gia cùng tham gia bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên thế giới, vì lợi ích của con người và thiên nhiên. Đây cũng là sự kiện khởi động cho Thập kỷ Liên hợp quốc về phục hồi hệ sinh thái (2021-2030).

Hưởng ứng sự kiện trên, Việt Nam đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp dựa vào thiên nhiên, tiếp cận hệ sinh thái trong quá trình xây dựng các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; thành lập và quản lý hiệu quả các khu bảo tồn thiên nhiên; thúc đẩy thực hiện các mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững.

Đối với Thừa Thiên Huế – một tỉnh nằm ở khu vực miền Trung của Việt Nam, là một trong những tỉnh có diện tích rừng lớn của cả nước với diện tích rừng đạt 288.401,82 ha (2020) và tỷ lệ che phủ là 57.38%. Trong đó, diện tích rừng tự nhiên là 211.243,37 ha; rừng trồng là 77.158,45 ha (Quyết định số 439/QĐ-UBND).

Trong những năm gần đây, công tác quản lý, bảo vệ và phục hồi rừng trên địa bàn tỉnh đang được chú trọng và đã đạt được một số thành tựu nhất định, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều chỉ thị và quyết định nhằm tăng cường công tác quản lý rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Điển hình là Quyết định 62/2019/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý rừng cộng đồng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Quy chế nhằm gắn kết các quy định của Pháp luật Nhà nước về lâm nghiệp với Quy ước bảo vệ rừng của cộng đồng dân cư thôn bản, xác định rõ trách nhiệm của cộng đồng, các cấp chính quyền địa phương có thẩm quyền và các cơ quan liên quan trong việc hướng dẫn, kiểm tra, phối hợp với cộng đồng làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng cộng đồng. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 1512/QĐ-UBND ngày 25/6/2019 quy định Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng giữa Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị đối với công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng.

Nắm bắt được các chủ trương phát triển lâm nghiệp của Tỉnh và xu thế chung của Thế giới, Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Quản lý Tài Nguyên (CORENARM) đã phối hợp với Trung tâm truyền hình Việt Nam khu vực Miền Trung – Tây Nguyên (VTV8) thực hiện phóng sự “KỶ NGUYÊN PHỤC HỒI RỪNG – TỪ QUAN ĐIỂM ĐẾN THỰC TIỄN HÀNH ĐỘNG CỦA CÁC BÊN LIÊN QUAN TẠI ĐỊA PHƯƠNG”  nhằm cho thấy được những khó khăn, thách thức trong việc duy trì và quản lý rừng bền vững ở các huyện miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế, cụ thể là Thôn 2, thôn 3 xã Hương Lộc, huyện Nam Đông và các thôn A Tia, Căn Tôm, Nhâm, Lê Triêng 1, Lê Triêng 2, huyện A Lưới; góp phần nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân trong công tác bảo vệ và quản lý rừng. Qua đó, giúp cộng đồng hiểu hơn về các hoạt động và thành quả đã đạt được của Trung tâm CORENARM trong những năm vừa qua đối với ngành Lâm nghiệp tỉnh nhà.

Chi tiết phóng sự vui lòng xem tại đây.

Nguồn: CORENARM