HỘI THẢO ” KẾT NỐI NGUỒN LỰC HỖ TRỢ QUẢN LÝ BỀN VỮNG RỪNG CỘNG ĐỒNG”

Tiếp nối lời kêu gọi của Liên hiệp quốc thúc đẩy hành động trong thập kỷ Phục hồi rừng 2021-2030, Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình phục hồi rừng trong những năm gần đây. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã triển khai nhiều chương trình, dự án tiêu biểu như: Giảm phát thải khí nhà kính tại Bắc Trung bộ theo Nghị định 107/2022, Phục hồi rừng trên vùng đất bị chiến tranh tàn phá ở Việt Nam, Nghiên cứu chuyển tiếp rừng ở A Lưới… Một số những thách thức mà nhiều chương trình phục hồi rừng thường gặp để vận động các chủ rừng tham gia và duy trì được các cánh rừng sau khi được trồng đó là các nhân tố về kỹ thuật, tài chính, và tính bền vững. Trong đó, phục hồi rừng do cộng đồng địa phương thường khó khăn hơn cả, nhất là ở các khu vực vùng núi nơi đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, thông tin khoa học kỹ thuật còn thiếu, và nguồn tài chính còn hạn hẹp. 

Ông Hồ Văn Ngum – PCT Huyện A Lưới phát biểu khai mạc Hội thảo

Trước những khó khăn và thách thức đó. Ngày 18/12/2023, UBND huyện A Lưới phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Quản lý Tài nguyên (CORENARM) tổ chức Hội thảo “Kết nối nguồn lực hỗ trợ quản lý bền vững rừng cộng đồng” trong khuôn khổ dự án Đánh giá bản chất hiện tượng chuyển tiếp rừng ở Việt Nam (FTViet) do Quỹ khoa học Thụy Sĩ tài trợ cho Đại học Lausanne (UNIL), Đại học Nông Lâm Huế và Trung tâm CORENARM nhằm vào các mục đích như: Chia sẻ kinh nghiệm quản lý và phục hồi rừng cộng đồng (RCĐ) trong xu hướng hội nhập quốc tế hiện tại; Phát hiện các cơ hội và thách thức gắn với hoạt động bảo vệ và phục hồi rừng quy mô nhỏ; Định hướng kết nối các nguồn lực trong nước và quốc tế trong việc quản lý rừng bền vững, tạo động lực chủ rừng là các cộng đồng và hộ gia đình. 

Với thành phần đại biểu là lãnh đạo các xã có rừng cộng đồng ở huyện A Lưới, đại diện các đơn vị quản lý liên quan đến nông – lâm nghiệp Huyện A Lưới và các chuyên gia. Hội thảo sẽ được nghe các tham luận phát biểu từ các mô hình, dự án đã thành công trong giai đoạn gần đây như mô hình phục hồi rừng do Hội chủ rừng FOSDA Thừa Thiên Huế, dự án PROSPER Quảng Trị do MCNV thực hiện, dự án FT Việt ở Thừa Thiên Huế, và triển khai thực hiện Nghị định 107/2022 về chi trả giảm phát thải ở Bắc Trung bộ.

Tại hội thảo, các chuyên gia, các đơn vị đã đóng góp ý kiến tham luận về 05 nội dung chính:

  • Tham luận 1: Chính sách và thực tiễn phục hồi RCĐ tại Thừa Thiên Huế do ông Võ Văn Dự – Chủ tịch FOSDA thực hiện.
  • Tham luận : Phục hồi rừng tự nhiên, cơ hội Dịch vụ hệ sinh thái cho RCĐ và các cơ hội mới do Tiến sĩ Ngô Trí Dũng – Giám đốc trung tâm CORENARM thực hiện.
  • Tham luận 3: Chia sẻ các cơ hội kết nối Chuỗi giá trị lâm sản ngoài gỗ (LSNG) trong RCĐ được cấp chứng chỉ do ông Nguyễn Đình Đại – MCNV Quảng Trị thực hiện.
  • Tham luận 4: Chia sẻ kinh nghiệm/phương pháp lượng hoá cacbon trong rừng trồng và rừng tự nhiên (RTN): Tiềm năng và cơ hội do Tiến sĩ Hồ Thanh Hà – Phó khoa Lâm nghiệp – Đại học Nông lâm Huế thực hiện.
  • Tham luận 5: Chi trả cacbon cho các chủ rừng TTH theo chương trình ERPA Bắc Trung Bộ do ông Trần Quốc Cảnh – PGĐ Quỹ BV&PTR tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện.
Tiến sĩ Ngô Trí Dũng – Giám đốc trung tâm CORENARM tham luận tại Hội thảo

Bên cạnh đó, đại diện các bên liên quan tại địa phương đã có những chia sẻ về các tiềm năng cũng như thách thức trong quản lý và bảo vệ rừng cộng đồng. Qua đó, các bên liên quan cũng đề xuất một số giải pháp kết nối trong tương lai góp phần cải thiện chất lượng rừng tại huyện A Lưới, gắn liền với phát triển sinh kế cộng đồng một cách bền vững.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Ông Nguyễn Đình Đại – Giám đốc MCNV Quảng Trị chia sẻ cơ hội kết nối Chuỗi giá trị LSNG trong rừng cộng đồng được cấp chứng chỉ FSC
Ông Võ Văn Dự – Chủ tịch FOSDA chia sẻ mô hình phục hồi rừng bằng cây bản địa
Các đại biểu tham gia chia sẻ ý kiến tại Hội thảo
Các đại biểu tham gia chia sẻ ý kiến tại Hội thảo

Kết thúc Hội thảo, ông Hồ Văn Ngum – PCT Huyện A Lưới đã thay mặt lãnh đạo UBND Huyện gửi lời cảm ơn đến Trung tâm CORENARM và các chuyên gia, các đơn vị đã phối hợp tổ chức hội thảo, đóng góp ý kiến và hỗ trợ thực hiện một số mô hình phục hồi rừng cho các cộng đồng tại huyện A Lưới, góp phần giúp sáng kiến Phục hồi rừng của Liên hiệp quốc được triển khai thành công ở tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung, và ở huyện A Lưới nói riêng.