Huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ngày 6-8/01/2021 Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Quản lý Tài nguyên (CORENARM) đến với A Lưới. Qua những khảo sát và nghiên cứu ban đầu về điều kiện tự nhiên kinh tế xã hội nơi đây, nhóm nghiên cứu biết được việc gắn kết chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào cộng đồng dân cư thôn, bản sống bằng nghề rừng đã mang lại hiệu quả cao về các tiêu chí xã hội: Giải quyết việc làm cho nhiều hộ gia đình; nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ và phát triển rừng; góp phần vào xóa đói giảm nghèo, đóng góp phúc lợi xã hội. Gắn với địa bàn lần này nghị định 75 (Nghị định số 75/2015/NĐ-CP) của chính phủ và chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES) cũng như các chính sách về quản lý bảo vệ rừng khác. Tiếp đến quyết định 62 (Quyết định 62/2019/QD-UBND) của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đại điện UBND xã Trung Sơn anh Hồ Văn Khuých phó chủ tịch xã cho biết “UBND xã cũng sẽ chỉ đạo và thực hiện vai trò chức năng nhiệm vụ từ xã đến đơn vị thôn thực hiện tốt quyết định 62 và đặc biệt là thành lập ban chỉ đạo phát triển bền vững về lâm nghiệp, xây dựng kế hoạch để kiểm tra giám sát và đánh giá được cái mặt thuận lợi, khó khăn”
Với tinh thần trên của cộng đồng, nhóm quyết định hỗ trợ và thúc đẩy cộng đồng xây dựng và thực hiện Quy chế QLRCD nhằm quản lý hiệu quả diện tích rừng được giao. Phối hợp với hạt kiểm lâm A Lưới, UBND xã Trung Sơn và xã Quảng Nhâm chương trình hỗ trợ cộng đồng xây dựng Quy chế Quản lý Rừng Cộng đồng và tập huấn về “Nhận diện một số loài cây bản địa” và “Sử dụng phần mềm Mapeo” trong quản lý và bảo vệ rừng được thực hiện tại 3 cộng đồng Nhâm 1, Lê Triêng 1 và Lê Triêng 2. Chương trình được tổ chức dựa trên các kinh nghiệm và kết quả mà nhóm nghiên cứu đã thực hiện thành công tại thôn A Tia 1 và Căn Tôm thuộc huyện A Lưới trong việc hỗ trợ thực hiện Quy chế Quản lý Rừng Cộng đồng (QLRCĐ).


Buổi tập huấn diễn ra sôi nổi, tập trung đi sâu vào quyết định 62 và nhận diện những loài thực vật quý hiếm nguy cấp, những loài cây thân gỗ có giá trị, loài cây dược liệu có tiềm năng phát triển dưới tán rừng tự nhiên. Khép lại hai phần trên, lớp tập huấn tiếp tục đến với một ứng dụng mới gọi là Mapeo. Công cụ này giúp cho cộng đồng thu thập thông tin, dữ kiện trong các đợt tuần tra và bảo vệ rừng cộng đồng. Đồng thời, đây là một kênh thông tin giúp kiểm lâm địa bàn và UBNN xã có thể sử dụng để quản lý, theo dõi hoạt động của cộng đồng một cách trực quan, khách quan và có những hỗ trợ xử lý kịp thời các hành vi vi phạm qua kết quả lưu trữ trong các đợt tuần tra.
Kết thúc lớp học, CORENARM đã trang bị cho mỗi cộng đồng một máy điện thoại smart phone hỗ trợ việc tuần tra và thu thập dữ liệu định kỳ. Các thành viên trong nhóm bảo vệ rừng cộng đồng đã hiểu rõ và biết được vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong việc thực hiện quyết định 62. Đồng thời, đã được thực hành trên hiện trường và nắm vững các kỹ năng cơ bản trong nhận diện, tra cứu các loài thực vật và sử dụng phần mềm Mapeo giúp cộng đồng triển khai nhằm phối hợp với các bên liên quan tiếp tục xây dựng Quy chế QLRCĐ.
Nguồn: Thanhtuyen