CORENARM – Một năm 2021 nhìn lại và hướng đi mới trong năm 2022

Có thể xem năm 2021 là một năm bản lề quan trọng trong chiến lược phát triển của Trung tâm NC&TV Quản lý Tài nguyên (CORENARM). Nhiều định hướng mới đã được thử nghiệm thành công để từ đó mở ra hướng đi mới trong các năm tiếp theo.

Về góc độ nghiên cứu và hợp tác quốc tế, đây là năm thứ 5 trong triển khai dự án “Nghiên cứu hiện tượng Chuyển tiếp rừng ở Việt Nam (FTViet)” hợp tác giữa 03 đơn vị: Đại học Lausanne (UNIL) – Thụy Sĩ, Đại học Nông Lâm Huế (HUAF) và Trung tâm CORENARM. Trong năm đã triển khai và hoàn tất hợp phần công bố nghiên cứu quốc tế (02 bài); khảo sát dữ liệu rừng trồng, rừng tự nhiên; hỗ trợ các công đồng  trong xây dựng Phương án và Kế hoạch quản lý rừng cộng đồng bền vững, tại 02 huyện miền núi A Lưới và Nam Đông; hỗ trợ các đề tài nghiên cứu cho sinh viên MSc và BSc (Xem chi tiết hoạt động FTViet ở đây). Một trong những thành tựu quan trọng là 01 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ trong chương trình FTViet, đó là Dr. Nguyễn Thị Hải Vân với đề tài “The politics of forest transition in contemporary upland Vietnam: Case study in A Luoi, Thua Thien Hue province” vào ngày 03.12.2021.

Thu thập dữ liệu khí tượng thủy văn tại các lưu vực trên địa bàn nghiên cứu dự án FTViet huyện A Lưới, tỉnh TT Huế.

Ở quy mô mở rộng hoạt động nghiên cứu trong nước, Trung tâm CORENARM đã được phê duyệt triển khai đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh “Nghiên cứu giải pháp quy hoạch và phát triển tài nguyên dược liệu theo các tiểu vùng sinh thái của tỉnh Thừa Thiên Huế” (TTH.2020-KC.08). Đề tài được thực hiện với 02 mục tiêu (1) Đánh giá được thực trạng tài nguyên dược liệu theo các tiểu vùng sinh thái khác nhau trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, và (2) Đề xuất quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu tài nguyên cây thuốc cho các tiểu vùng sinh thái dựa trên dẫn liệu phân bố tự nhiên và tập quán sử dụng; Thời gian triển khai từ tháng 9/2021 – 3/2023 (Xem chi tiết hoạt động đề tài ở đây) . Đây là đề tài KHCN đầu tiên kể từ ngày thành lập Trung tâm đến nay, và do vậy mở ra hướng đi mới về áp dụng KHCN triển khai các mô hình, ý tưởng liên quan đến quản lý và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên tự nhiên không chỉ ở Thừa Thiên Huế mà có thể triển khai rộng khắp ở các tỉnh khác trên cả nước..

TS. Hồ Thắng – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu trong hội nghị Giao trực tiếp Đề tài cho đơn vị chủ trì Đề tài Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Quản lý Tài nguyên .

Ngoài ra,  liên quan đến hoạt động nghiên cứu, Trung tâm CORENARM còn là đơn vị kết nối và hỗ trợ các nghiên cứu viên trong nước và quốc tế trong việc triển khai các đề tài trong nước nói chung và tại tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng.

Trên lĩnh vực tư vấn, CORENARM đã bước đầu triển khai các gói tư vấn hỗ trợ Quản lý Rừng bền vững và Chứng chỉ rừng. Sau các khóa tập huấn/đào tạo ngắn hạn hỗ trợ cho các Doanh nghiệp như Công ty Thúy Sơn (Cần Thơ), Công ty Bảo Châu Phú Yên (Phú Yên), năm 2021 đánh dấu các hợp đồng tư vấn trọn gói trong quá trình triển khai hỗ trợ xây dựng hệ thống chứng chỉ QLRBV ở các doanh  nghiệp như Thúy Sơn-Cà Mau (3/2021), Công ty BVN Thanh Chương (6/2021), Công ty Ngọc Sơn-Thanh Hóa (9/2021). Hiện tại, Công ty BVN Thanh Chương đã được cấp chứng chỉ FSC/FM thành công cho nhóm hơn 600 hộ gia đình với diện tích gần 4000 ha ở địa bàn huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Các hoạt động triển khai tiếp theo bao gồm mở rộng diện tích cấp chứng chỉ, tập huấn nâng cao năng lực quản lý nhóm, và rà soát cập nhật bổ sung hệ thống bản đồ và các thông tin chuyên đề. (Xem chi tiết các hoạt động tư vấn ở đây).

Tập thể BVN cùng CORENARM và Đoàn đánh giá GFA.

Năm 2021 cũng đánh dấu sự trở lại của CORENARM trong mạng lưới các tổ chức NGO theo các chương trình quốc gia như VPA/FLEGT, Mạng lưới bảo tồn tài nguyên TN do cộng đồng quản lý (OECM), các chương trình quốc tế đang triển khai ở Việt Nam như Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn DDSH (VFBC) do USAID tài trợ. Các hợp phần liên quan và tiềm năng mà CORENARM bước đầu tiếp cận bao gồm: 1. Cải thiện và mở rộng mô hình quản lý rừng cộng đồng; và 2. Cải tiến các thực hành quản lý rừng sản xuất, trong đó chú trọng kết nối Doanh nghiệp tham gia vào tiến trình quản lý rừng bền vững và xuất khẩu sản phẩm gỗ có chứng chỉ.

CORENARM đón chào năm 2022 với đội ngũ thành viên chuyên nghiệp – nhiệt huyết – cống hiến cho tiến trình quản trị tài nguyên thiên nhiên bền vững ở Việt Nam!

Nguồn: CORENARM