CORENARM TRONG HỘI THẢO “QUẢN LÝ RỪNG TỰ NHIÊN DỰA TRÊN QUYỀN CỦA NGƯỜI DÂN”

CỘNG ĐỒNG THAM GIA QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN RỪNG: KINH NGHIỆM TỪ CÁC DỰ ÁN CỦA TRUNG TÂM CORENARM TRIỂN KHAI Ở THỪA THIÊN HUẾ

TS. Ngô Trí Dũng & ThS. Bùi Phước Chương – Trung tâm CORENARM, Huế

Quyền của người dân trong các chương trình giao rừng và hỗ trợ sau giao rừng cho cộng đồng địa phương

1. Giao rừng tự nhiên là bước cơ bản nhất nhằm thể hiện việc trao quyền sở hữu tư liệu sản xuất (quyền sử dụng rừng) cho người dân

Chính sách giao rừng tự nhiên cho cộng đồng địa phương quản lý được thực hiện ở Việt Nam từ thập niên 90. Ở Thừa Thiên Huế, chính sách này được triển khai đầu tiên ở huyện Phú Lộc với các mô hình thí điểm giao rừng cho cộng đồng các thôn bắt đầu từ năm 2000. Sau đó lần lượt các huyện khác như Nam Đông (hỗ trợ của SNV, GCP, ETSP), huyện Phong Điền (hỗ trợ của TTH-RDP), huyện A Lưới (hỗ trợ của ETSP, SNV, GCP). Hình thức giao rừng tự nhiên ở Thừa Thiên Huế khá đa dạng: giao cho hộ gia đình, nhóm hộ, và thôn (Hồ Hỷ 2007). Đến nay vẫn chưa có tổng kết chính thức và lý giải về tính đa dạng và hiệu quả của các chủ thể nhận rừng nêu trên.

Trung tâm CORENARM triển khai cách tiếp cận giao rừng tự nhiên cho cộng đồng thôn thông qua kinh nghiệm từ các dự án SMNR-CV (GTZ Quảng Bình), ETSP (Helvetas Thừa Thiên Huế) và các khóa tập huấn bởi các chuyên gia trong và ngoài nước. Trình tự các bước giao rừng tự nhiên cho cộng đồng thôn được thực hiện theo thông tư 38/2007 của Bộ NN&PTNT. Cách tiếp cận này có ưu điểm: lồng ghép trong quy hoạch sử đụng đất của huyện nên mang tầm nhìn lâu dài ổn định; hỗ trợ mạnh về kỹ thuật điều tra tư liệu hóa tình trạng rừng giúp giám sát, đánh giá tăng trưởng trong tương lai; các bước khảo sát đánh giá được thiết kế có sự tham gia của đầy đủ các bên tham gia: người dân – nhà nghiên cứu – tổ chức phát triển (CORENARM) – cơ quan chuyên môn cấp huyện.

Trong dự án ‘Xây dựng hệ thống sử dụng đất bền vững’, CORENARM đã hỗ trợ phòng Nông nghiệp huyện giao gần 800 ha rừng tự nhiên cho 102 hộ gia đình ở 4 thôn thuộc xã Hương Phú. Toàn bộ các nhóm hộ nhận rừng (9 nhóm) đều được tập huấn và triển khai theo 03 hợp phần: (i) khảo sát quy hoạch giao rừng; (ii) lập kế hoạch quản lý rừng; (iii) xây dựng các mô hình sinh kế bền vững. Sau khi có quyết định giao rừng của UBND huyện, có 3 nhóm được dự án hỗ trợ kinh phí lập quỹ phát triển cộng đồng để thực hiện các sáng kiến sinh kế làm mô hình thí điểm cho các nhóm còn lại.

2. Quyền lựa chọn và yêu cầu hỗ trợ xây dựng các mô hình sinh kế phù hợp với điều kiện địa phương là điều kiện tiên quyết giúp người dân ổn định đời sống và là động lực chính thúc đẩy người dân quyết tâm bảo vệ hiệu quả diện tích rừng giao

Một trong những hạn chế của các chương trình giao rừng tự nhiên đó là thiếu các giải pháp sinh kế ngắn-trung hạn hỗ trợ người dân trong thời gian đầu khi thu nhập từ diện tích rừng giao chưa đáp ứng các khoản chi trả cho các hoạt động quản lý bảo vệ. Đặc biệt, hầu hết các diện tích rừng giao cho cộng đồng là rừng nghèo kiệt nên hoặc là (i) không được phép tiếp tục khai thác theo quy định giao rừng hoặc (ii) sản phẩm không có giá trị kinh tế trên thị trường. Nhận dạng vấn đề này, CORENARM đã tích cực tìm kiếm và chuyển giao các mô hình sinh kế hỗ trợ nguồn thu ngắn – trung hạn thông qua dự án ‘Xây dựng các mô hình sinh kế hỗ trợ sau giao rừng ‘ (2006-2008) và áp dụng các mô hình này trong dự án ‘Xây dựng hệ thống sử dụng đất bền vững ở xã Hương Phú’ (2008-2010). Các mô hình thành công và đang nhân rộng ở địa bàn huyện Nam Đông của CORENARM bao gồm (i) mô hình phục hồi mây dưới tán rừng tự nhiên, (ii) mô hình tre lấy măng và lồ ô ven khe suối, (iii) mô hình vườn ươm cây bản địa phục vụ các chương trình trồng rừng, (iv) nuôi ong mật, (v) nuôi nhím bờm. Đến nay, các mô hình đã cho kết quả khả quan và bước đầu mang lại nguồn thu cho các nhóm nhận rừng (mây, tre, lồ ô, ong mật).

Việc lựa chọn và thiết kế các mô hình đều do người dân khởi xướng với sự tư vấn kỹ thuật của Trạm KNLN, CORENARM (thông qua cách tiếp cận ‘Phát triển cộng đồng dựa vào nguồn lực’ ABCD) hỗ trợ tài chính của các dự án do Trung tâm kêu gọi. Do vậy, mức độ cam kết và kinh nghiệm quản lý các mô hình của người dân được nâng cao so với các chương trình hỗ trợ sinh kế trước đây do nhà nước tài trợ.

3. Xây dựng tổ chức – thể chế cộng đồng ổn định nhằm đảm bảo quyền quyết định của người dân trong các hoạt động quản lý và sử dụng tài nguyên của cộng đồng

Bất kỳ một hoạt động hỗ trợ nguồn lực (kỹ thuật, tài chính, nhân sự) nào từ bên ngoài tổ chức cộng đồng đều chỉ mang tính ‘kích hoạt’ bước đầu và sẽ kết thúc sau một vài năm hỗ trợ. Do vậy Trung tâm luôn nhấn mạnh hợp phần ‘xây dựng nội lực cộng đồng’ trong tất cả các chương trình, dự án hỗ trợ. Trung tâm đã áp dụng thành công 03 gói công cụ hỗ trợ trong tiến trình này bao gồm PRA, ABCD, và IAD. PRA được áp dụng nhằm khảo sát thu thập các thông tin về các nguồn tài nguyên tự nhiên hiện có ở địa phương, thông tin về cộng đồng dân cư đang sinh sống, và các luật tục, quy định truyền thống áp dụng trong quản lý sử dụng tài nguyên. ABCD nhằm kích thích người dân rà soát các nguồn lực của cộng đồng, từ đó đề xuất cách quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên với chi phí thấp nhất. IAD (Institutional Analysis and Development) được áp dụng để phân tích các mối tương quan giữa tài nguyên – cộng đồng – thể chế nhằm tìm ra mô hình bền vững đặc thù cho từng địa phương.

Áp dụng các công cụ lý thuyết và thực tiễn nêu trên, đến nay Trung tâm đã xây dựng thành công 4 mô hình cộng đồng thôn quản lý rừng bền vững và đang áp dụng cho 9 mô hình khác trên địa bàn huyện Nam Đông. Tùy thuộc vào nguyện vọng của người dân và đặc thù của tài nguyên rừng giao mà chủ thể nhận rừng có thể là nhóm hộ gia đình hoặc cộng đồng thôn. Tuy nhiên các mô hình đều có chung các đặc điểm là (i) được thành lập và có tư cách pháp nhân (do UBND xã xác nhận) độc lập; (ii) được tổ chức, tập huấn các kỹ năng cần thiết về quản lý và sử dụng tài nguyên theo hướng bền vững; và (iii) được hỗ trợ tài chính ban đầu (quỹ), và cách huy động nguồn lực cho các hoạt động tiếp theo. Đặc biệt, có 03 mô hình được thành lập theo cách tương hỗ giữa các hộ người Kinh và các hộ người dân Katu (thôn Phú Mậu) và đang hoạt động rất hiệu quả. Các mô hình này sẽ được theo dõi và đánh giá định kỳ trong các năm tiếp theo.

 Thảo luận và bài học kinh nghiệm

  1. Phương pháp luận trong quản lý tài nguyên dựa vào cộng đồng

Như đã đề cập ở trên, cách tiếp cận quản lý tài nguyên của CORENARM tập trung vào các hoạt động thúc đẩy tiến trình trao quyền sở hữu/sử dụng tài nguyên, hỗ trợ sinh kế, và thiết lập thể chế cộng đồng. Đây là các đặc trưng chủ yếu của một mô hình quản lý tài nguyên bền vững đã được đúc kết từ những nghiên cứu lý thuyết (Ostrom 1994, DFID 2001, CIFOR 2007, RRI 2009). Mặc dù chỉ mới thực hiện và đang theo dõi các mô hình này từ năm 2007, hiện tại Trung tâm đã có đầy đủ các dữ liệu liên quan từ các dự án/chương trình đã triển khai thực tế. Trong khi chờ đợi một nghiên cứu phân tích kỹ lưỡng các mô hình trên trong năm tới, Trung tâm có một số nhận xét ban đầu như sau:

  • Khái niệm ‘cộng đồng’ cần được làm rõ ngay từ bước đầu, trước khi quyết định giao quyền sử dụng tài nguyên. Trong khái niệm này, nhóm hộ, thôn, câu lạc bộ… cần được khảo sát kỹ lưỡng tránh tình trạng chạy ‘hợp thức hóa’ các yêu cầu của dự án hoặc ‘đại diện ảo’ của một nhóm quyền lực ở cộng đồng. Nếu không phát hiện được các đặc trưng cơ bản của một cộng đồng thực thụ thì rất dễ dẫn đến tình trạng độc quyền trong sử dụng tài nguyên hoặc lạm quyền theo hướng phục vụ lợi ích của một nhóm thiểu số.
  • Người dân cần có đầy đủ các thông tin trước khi được mời cho ý kiến hoặc ra quyết định về một vấn đề liên quan đến lợi ích chung của cộng đồng. Tình trạng thiếu thông tin về trữ lượng, loại rừng, quy định khai thác sử dụng, cơ chế phân chia nguồn lợi. đã làm cho nhiều cộng đồng (thôn, nhóm) nhận rừng không nắm bắt đầy đủ các quyền và cách tiếp cận quản lý khoa học, phù hợp với quy định của pháp luật. Mặt khác, thiếu thông tin về tài nguyên, chính sách sử dụng đã làm cộng đồng ‘yếu thế’ trong phát huy các nguồn nội lực, dẫn đến tổ chức lỏng lẻo, hiệu quả các hoạt động thấp, và chỉ còn tồn tại về mặt hình thức.
  • Qua tiếp cận điều hành các dự án, chúng tôi nhận thấy các cộng đồng nhận rừng chưa ý thức được giá trị và cơ hội sử dụng các nguồn tài nguyên mà cộng đồng được giao hoặc đang sở hữu. Đây chính là một ‘lỗ hổng’ lớn về xây dựng năng lực cộng đồng tự quản lý bởi nó tạo ra tính ‘ỷ lại’ của người dân, luôn trông chờ vào nguồn lực bên ngoài (vốn hạn chế và không bền vững). Ví dụ rõ nhất là ở dự án IUCN do Trung tâm điều phối, CLB khuyến nông Phú Mậu trước đây được giao quản lý hơn 40ha rừng tự nhiên nhưng chỉ tập trung vào luỗng phát và tuần tra bảo vệ. Sau khi được tư vấn kỹ thuật và kinh phí phục hồi và chăm sóc nguồn giống Mây, đến nay nguồn thu đã tăng trội và tiếp tục duy trì ổn định thông qua quy hoạch thành vườn mây giống.
  • Các hoạt động ở hợp phần thứ ba về ‘thiết lập thể chế cộng đồng’ có liên quan mật thiết với việc định nghĩa cộng đồng đã nêu trên. Thiết lập thể chế cộng đồng là các hoạt động từ việc thành lập nhóm nhận rừng, câu lạc bộ, nhóm sở thích gọi chung là ‘tổ hợp tác’ (theo Nghị định 151/2007/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác) đến việc ban hành các quy chế hoạt động, điều hành quỹ của nhóm, và kêu gọi – quản lý các nguồn lực hỗ trợ. Thông thường, các nhóm mới thành lập cần được hỗ trợ mạnh ở các khâu này thông qua tư vấn từ tổ chức NGO hoặc đơn vị chuyên môn cấp huyện.

2. Phối hợp hỗ trợ trong quản lý tài nguyên và phát triển nông thôn

Một trong những thành công ban đầu của Trung tâm CORENARM được các cơ quan nhà nước và tổ chức tài trợ đánh giá cao đó là vai trò kết nối được 3 ‘nhà’ trong quản lý tài nguyên và phát triển cộng đồng: người dân – cơ quan nhà nước – tổ chức nghiên cứu – tổ chức phát triển (NGO). Sự tham gia bình đẳng trong quản lý và thực thi chương trình được xuyên suốt trong các bước từ lập dự án, phân công xây dựng các hợp phần, thực thi các hoạt động, và chia sẻ kinh nghiệm quản lý, thực thi. Ở dự án IUCN, Trung tâm đã kêu gọi 03 đối tác chính cùng tham gia tư vấn kỹ thuật và thể chế là Phòng NN&PTNT, Trạm KNLN, và Bộ môn QLNTR&MT của ĐH Nông Lâm Huế. Các đơn vị này có thế mạnh về chuyên môn, tổ chức quản lý, hỗ trợ thể chế trong tiến trình giao rừng và xây dựng năng lực cho cộng đồng. Đặc biệt, các hợp phần dự án đang được các đối tác tư liệu hóa đầy đủ nhằm chia sẻ kinh nghiệm cho các chương trình tương tự.

3. Một số định hướng tiếp theo

Đánh giá và tư liệu hóa cách tiếp cận hiệu quả trong quản lý tài nguyên dựa vào cộng đồng: Gần 4 năm thực hiện các dự án về quản lý tài nguyên, hỗ trợ sinh kế cho người dân vùng cao đã mang lại cho Trung tâm nhiều kinh nghiệm bổ ích trong hoạt động tư vấn các mô hình kỹ thuật, sinh kế, tổ chức cộng đồng ở địa bàn 02 tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Các mô hình này đang được tư liệu hóa và sẽ đánh giá hiệu quả hoạt động theo định kỳ 3-5 năm hoạt động nhằm rút ra được các kinh nghiệm quản lý, thực thi các hoạt động ở cộng đồng

Đến nay, các dự án hỗ trợ cồng đồng trong quản lý sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên đã khẳng định được mức độ thành công nhất định về phương diện hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, và tổ chức quản lý. Tuy nhiên, sự hỗ trợ về mặt thực thi pháp luật đối với các cộng đồng nhận rừng dường như lại chưa theo kịp với các hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính, tổ chức thực thi. Các cộng đồng nhận rừng ở Nam Đông vẫn phàn nàn về thiếu vắng sự hỗ trợ thực thi pháp luật từ các cơ quan nhà nước (Hạt Kiểm lâm, UBND Xã, Phòng TN&MT, Phòng NN&PTNT) sau khi nhận rừng. Trung tâm đang lập kế hoạch khảo sát mức độ yêu cầu hỗ trợ việc thực thi pháp luật lâm nghiệp của các cộng đồng nhận rừng nhằm xúc tiến các hoạt động tư vấn, kết nối hỗ trợ thực thi pháp luật, duy trì bền vững các sáng kiến giao rừng đã thực thi trong các năm qua.

Triển khai từ năm 2000, các mô hình giao rừng tự nhiên cho cộng đồng ở Thừa Thiên Huế đã trải qua hơn 10 năm thực thi. Tuy nhiên vẫn chưa có các báo cáo đánh giá hiệu quả hoạt động ở các mô hình về các phương diện tăng trưởng rừng, cơ chế huy động tài chính hỗ trợ sau giao rừng, tổ chức hoạt động của nhóm nhận rừng, hỗ trợ thực thi pháp luật lâm nghiệp cho cộng đồng nhận rừng. Trong năm 2011, Trung tâm sẽ tổ chức đánh giá lần lượt các mô hình này và trình bày kết quả trong một Hội thảo cấp tỉnh nhằm đúc rút các kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý rừng cộng đồng.

Xem thêm bài viết của Trung tâm Phát triển Sáng kiến Cộng đồng và Môi trường về hội thảo tại đây