CORENARM hỗ trợ Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Đông thực hiện mô hình khoanh nuôi tái sinh tự nhiên
Trồng rừng không chỉ đem lại lợi ích tầm vĩ mô là hướng đến phát triển xanh bền vững, bảo vệ môi trường mà còn là một trong những giải pháp tăng thu nhập, tạo sinh kế cho cộng đồng.
Nằm trong khuôn khổ dự án FTViet , Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Quản lý Tài nguyên(CORENARM) hỗ trợ cộng đồng ở 2 huyện A Lưới và Nam Đông xây dựng Phương án QLRBV giai đoạn 05 năm, kế hoạch quản lý rừng hàng năm và Quy ước bảo vệ và phát triển rừng của cộng đồng theo Quyết định 62/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về Quy chế Quản lý rừng cộng đồng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm CRN đã có chuyến đi thực địa tại các khu vực rừng Lê Triêng 1 thuộc huyện A Lưới vào ngày 18/02/2022 để khởi động cho việc hỗ trợ mô hình trồng rừng phục hồi tại các khu vực rừng nghèo, bị suy thoái.
Trước đó, Trung tâm CORENARM đã phối hợp với Hạt kiểm lâm huyện A Lưới và Nam Đông tổ chức khảo sát hiện trạng những khu vực rừng cộng đồng có khả năng phục hồi nhằm lập kế hoạch hỗ trợ cộng đồng kỹ thuật chăm sóc, trồng phục hồi và làm giàu rừng bằng các loài cây bản địa theo Kế hoạch QLRBV đã lập ra trước đó. Để nâng cao thực tiễn của kế hoạch này, CORENARM đã tích cực tìm kiếm và hỗ trợ nguồn giống các loại cây phù hợp với điều kiện lập địa của địa phương nhằm phục hồi lại các vùng đất trống, làm giàu các khu vực rừng nghèo, rừng trung bình do cộng đồng quản lý, giúp cải thiện sinh kế cho người dân nơi đây.
Trong chuyến đi lần này, CORENARM tiến hành bàn giao các cây giống cho cộng đồng thôn Lê Triêng 1, huyện A Lưới và cùng với cộng đồng trồng cây ở các khu vực rừng cần được phục hồi theo kế hoạch đã thống nhất vào cuối năm 2021.


Ngoài ra, nhằm góp sức vào quá trình thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cả nước “Chung sức, đồng lòng” trồng mới 01 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025, CORENARM cũng đã hỗ trợ Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Đông thực hiện mô hình khoanh nuôi tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung cây bản địa ở 5ha tại Khoảnh 9, tiểu khu 379 xã Hương Sơn với mục tiêu bảo vệ rừng hiện có và phục hồi rừng đã mất; phát huy khả năng tái sinh, diễn thế tự nhiên và giữ gìn tài nguyên thực vật rừng hiện có trên địa bàn huyện.
Thời gian tới, trung tâm vẫn sẽ tiếp tục phối hợp với các bên liên quan tại 2 địa phương này để cùng xúc tiến, áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật nhằm thực hiện công tác chăm sóc tại các diện tích rừng đã trồng trong giai đoạn 2021-2022.
CORENARM mong rằng trong năm 2022, những cánh rừng mà trung tâm hỗ trợ sẽ phát triển tốt và các mô hình này sẽ được nhân rộng ở các diện tích rừng tự nhiên khác của huyện Nam Đông và huyện A Lưới, góp phần hướng đến việc bảo tồn và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên của tỉnh nhà.
Nguồn: KieuOanh – CORENARM