THAM VẤN KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU QUY HOẠCH VÀ PHÁT TRIỂN CÁC LOÀI DƯỢC LIỆU TIỀM NĂNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Trong khuôn khổ của đề tài Khoa học công nghệ cấp tỉnh “Nghiên cứu giải pháp Quy hoạch và Phát triển tài nguyên dược liệu theo các tiểu vùng sinh thái khác nhau của tỉnh Thừa Thiên Huế”, Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Quản lý Tài nguyên (CORENARM) tiếp tục phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền tổ chức Hội thảo tham vấn các bên liên quan trên địa bàn huyện về kết quả nghiên cứu quy hoạch và phát triển các loài dược liệu tiềm năng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hội thảo diễn ra vào chiều ngày 17/11/2022 tại phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền.

Đây là cơ hội để các thành viên đề tài chia sẻ kết quả nghiên cứu, tiếp nhận các ý kiến đóng góp của các bên liên quan và các giải pháp đề xuất về quy hoạch bảo tồn, sử dụng và phát triển các nhóm loài dược liệu có giá trị trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và huyện Quảng Điền nói riêng.

Tham dự Hội thảo có đại diện Phòng NN&PTNT, Phòng Tài nguyên – Môi trường, Phòng KT-HT, đại diện Trung tâm DVNN, Trung tâm Phát triển Quỹ đất, đại diện các hộ trồng dược liệu và doanh nghiệp/cá nhân thu mua/bán dược liệu trên địa bàn huyện Quảng Điền cùng các thành viên của đề tài.

TS. Ngô Trí Dũng đang chia sẻ các kết quả nghiên cứu của đề tài tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, anh Nguyễn Đình Châu – PGĐ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Quảng Điền cho biết, địa bàn Quảng Điền là nơi thích hợp với nhiều loài dược liệu như dành dành, rau đắng, gấc, đinh lăng, bồ công anh (mọc hoang rất nhiều), đặc biệt là cây “thù lù bao” – loài không có trong danh mục ưa tiên của đề tài. Mong rằng các thành viên đề tài có thể tìm hiểu thêm về hướng phát triển các loài này ở địa bàn huyện.

Đồng tình với anh Châu, ông Phan Lai Đức – chủ trang trại Quảng Vinh cũng chia sẻ, tràm gió (tràm 5 gân), dành dành, nhân trần là các loài dược liệu có giá trị kinh tế. Tuy nhiên, để kế hoạch quy hoạch vùng dược liệu được triển khai hiệu quả thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là đảm bảo được đầu ra ổn định cho người dân.

Cũng theo lời ông Văn Đức Tuấn – chủ trang trại Hương Cát, khi phát triển một loài dược liệu cần chú ý quan tâm đến chuỗi cung cấp nguyên liệu và kết nối với đầu ra. Tại huyện Quảng Điền hay bất kỳ vùng nào chỉ cần 1-2 loài đặc hữu, tập trung phát triển vùng nguyên liệu, để đảm bảo chất lượng và có thị trường bao tiêu.

Các câu chuyện xoay quanh kinh nghiệm trồng, chế biến và thu mua tràm gió tại địa phương cũng được bà Nguyễn Thị Minh Xao – Trang trại Quảng Lợi (chủ lò dầu chưng cất dầu tràm) chia sẻ tại hội thảo. Bà cho biết Tràm gió là loài cây trồng nhiều trên địa bàn huyện, vì thị trường có sẵn. Tuy nhiên, nếu tràm gió nếu trồng không đúng kỹ thuật, sử dụng liều lượng phân bón cao thì chất lượng dầu thấp/ không đạt tiêu chuẩn, từ đó giá cả và chất lượng bán ra cũng sẽ thấp hơn.

Bên cạnh đó, vấn đề vị trí quy hoạch vùng dược liệu cũng được anh Võ Văn Thiện – đại diện phòng TNMT khá quan tâm. Anh góp ý rằng, khi quy hoạch vùng trồng dược liệu, cần phải phù hợp với quy hoạch vùng trồng trọt/chăn nuôi đã được phê duyệt. Quy hoạch vùng nguyên liệu dược liệu cần tham khảo thêm các quy hoạch chăn nuôi, cây ăn quả… tránh trùng lắp và đáp ứng yêu cầu vệ sinh môi trường.

Phát biểu kết thúc buổi hội thảo, ông Ngô Trí Dũng – GĐ Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Quản lý Tài nguyên, cũng là chủ nhiệm đề tài cảm ơn sự quan tâm và góp ý đến từ các đại biểu cho đề tài. Đây sẽ là các thông tin hữu ích để các thành viên đề tài tiếp tục xem xét bổ sung và sớm hoàn thiện trình sở KHCN tỉnh phê duyệt vào đầu năm sau.

Các đại biểu chia sẻ ý kiến xoay quanh các loài dược liệu trên địa bàn huyện Quảng Điền