HỘI THẢO “QUY HOẠCH PHÂN VÙNG NGUYÊN LIỆU DƯỢC LIỆU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ”

Ngày 19/12/2022, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Hội thảo khoa học “Quy hoạch phân vùng nguyên liệu dược liệu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế” . Đây là cơ hội để các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp trao đổi, chia sẻ các vấn đề liên quan đến phát triển ngành dược liệu trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung vào việc đánh giá thực trạng phát triển ngành dược liệu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế về vùng dược liệu; cơ sở sơ chế, chế biến và chiết xuất dược liệu; thương mại hóa; các kênh phân phối và tiêu thụ sản phẩm, sản xuất giống…. Từ đó bàn luận hướng đến giải pháp quy hoạch phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm tạo vùng nguyên liệu bền vững cho ngành công nghiệp dược liệu phát triển, xây dựng định hướng trồng, khai thác gắn với bảo tồn các loài dược liệu tại địa phương.

Hội thảo có sự chủ trì của TS. Hồ Thắng – Giám đốc Sở KH&CN, PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải – Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học, Đại học Huế, TS. Ngô Trí Dũng – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Quản lý Tài nguyên.

Về việc Ứng dụng KH&CN trong phát triển vùng dược liệu, TS. Hồ Thắng – Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, giai đoạn từ năm 2020 đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai thực hiện 13 nhiệm vụ KH&CN về dược liệu, gồm: 02 dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi; 02 dự án thuộc Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ; 09 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh. Trong đó, có 11 nhiệm vụ phục vụ cho việc phát triển vùng nguyên liệu dược liệu trên địa bàn tỉnh.

TS. Hồ Thắng – Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại hội thảo

Ông cũng cho biết, hoạt động nghiên cứu khoa học mặc dù có những kết quả khích lệ, nhất là ứng dụng trong phát triển dược liệu, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều hạn chế. Đó là việc chưa có sự gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với hoạt động sản xuất kinh doanh dược liệu, nên chưa phát huy được các kết quả của nghiên cứu khoa học để ứng dụng vào thực tiễn. Đầu tư cơ sở vật chất cho các nghiên cứu khoa học còn nhiều hạn chế, dàn trải. Công tác nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong sản xuất giống cây dược liệu, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng giống cây dược liệu, kỹ thuật nuôi trồng, bảo tồn và phát triển nguồn gen cây dược liệu, tiêu chuẩn hóa, sản xuất thành phẩm chưa được quan tâm nhiều và đầu tư đủ mạnh…

Góp mặt ở hội thảo với vai trò là 1 trong 3 đại biểu chủ trì hội thảo và là chủ nhiệm của đề tài NCKH cấp tỉnh “Nghiên cứu giải pháp Quy hoạch và Phát triển tài nguyên dược liệu theo các tiểu vùng sinh thái khác nhau của tỉnh Thừa Thiên Huế”, TS.Ngô Trí Dũng – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Quản lý Tài nguyên (CORENARM) đã có báo cáo sơ bộ một số kết quả nghiên cứu giải pháp quy hoạch và phát triển tài nguyên dược liệu theo các tiểu vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

TS. Ngô Trí Dũng – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Quản lý Tài nguyên báo cáo sơ bộ một số kết quả nghiên cứu giải pháp quy hoạch và phát triển tài nguyên dược liệu theo các tiểu vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo đó, TS.Ngô Trí Dũng chia sẻ thêm:  “Để phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh thì vấn đề mấu chốt là giải quyết thị trường đầu ra, đây là một trong những khó khăn phổ biến mà chủ mô hình gặp phải trong quá trình gây trồng dược liệu. Nhiệm vụ này được thực hiện bởi không ai khác ngoài doanh nghiệp. Theo kết quả khảo sát cho thấy bước đầu đã có một số mô hình được hỗ trợ bởi các tổ chức, đơn vị. Trong đó đặc biệt có mô hình trồng Cà gai leo 1500m2 tại xã Thuỷ Bằng thành phố Huế đã được Công ty Cổ phần Dược phẩm Mediphaco đầu tư, quản lý và trực tiếp sử dụng sản phẩm. Ở mô hình này, kỹ thuật trồng đã được chú trọng từ khâu tuyển chọn nguồn giống, lựa chọn vùng đất, đến kỹ thuật trồng, chăm sóc, kể cả chất lượng nước tưới. Đây là khuynh hướng được đánh giá là có hiệu quả hiện nay trong phát triển nguồn dược liệu, vừa đảm bảo được đầu ra, vừa quản lý được chất lượng toàn bộ quá trình. Theo đó, việc tăng cường mô hình liên kết “bốn nhà”: Nhà nước – Nhà khoa học – Nhà doanh nghiệp – Nhà nông, trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm sẽ giúp ngành dược liệu phát triển xuyên suốt theo hướng đi bền vững”.

Từ các bài học kinh nghiệm, cả lý luận và thực tiễn trong nghiên cứu phát triển dược liệu thời gian qua, PGS.TS Trương Thị Hồng Hải – Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học chia sẻ một số mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN để nhân giống các loài dược liệu tiềm năng, phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu và thổ nhưỡng, tiến tới xây dựng các quy trình theo chuỗi giá trị, chuỗi liên kết để phát triển dược liệu bền vững. Việc nghiên cứu xây dựng thành công quy trình này góp phần quan trọng vào việc bảo tồn nguồn giống và tạo ra nguồn dược liệu quý đặc hữu của địa phương.

Kết thúc hội thảo, Giám đốc Sở KH&CN TS. Hồ Thắng đánh giá cao tham luận của các đại biểu từ nhiều khía cạnh khác nhau. Qua các báo cáo tham luận, trao đổi góp ý đã nói lên những tâm huyết, những kinh nghiệm, thực trạng và đặc biệt đề xuất các giải pháp để phát triển dược liệu bền vững tại địa phương.

Nguồn: Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế