Giai đoạn 2020 – 2022, thông qua Dự án “Thúc đẩy quan hệ đối tác bền vững giữa chủ rừng nhóm hộ gia đình và doanh nghiệp trong thực hiện quản lý rừng bền vững nhằm ứng phó biến đổi khí hậu” do Liên minh Châu Âu và tổ chức MCNV tài trợ, lần đầu tiên tại Việt Nam, 2.145 ha rừng tự nhiên của 5 cộng đồng gồm thôn Chênh Vênh (xã Hướng Phùng), thôn Hồ và thôn Cát (xã Hướng Sơn), thôn Trăng – Tà Puồng (xã Hướng Việt) và thôn Xa Bai (xã Hướng Linh) thuộc huyện miền núi Hướng Hóa đã được cấp chứng nhận quốc tế FSC dịch vụ hệ sinh thái về lưu trữ và hấp thụ carbon với trữ lượng lưu trữ tại các diện tích rừng này khoảng 350.000 tấn CO2 và lượng hấp thụ hàng năm khoảng 7.000 tấn CO2.
Kết quả này mang đến cơ hội cho các chủ rừng cộng đồng trong việc tiếp cận các nguồn tài trợ và chi trả tự nguyện cho dịch vụ hệ sinh thái do Hội đồng Quản trị Rừng Quốc tế (Forest Steward Council – FSC) khởi xướng trên toàn cầu.
Cũng theo đó, hiện tại, MCNV đang làm việc chặt chẽ với tổ chức FSC với mục đích giúp cho các cộng đồng có chứng nhận về dịch vụ hệ sinh thái FSC tham gia vào các thị trường dịch vụ hệ sinh thái. Đây là một trong những sáng kiến mà FSC đang khởi xướng nhằm kết nối các cộng đồng được cấp chứng nhận này với các nhà tài trợ cũng như các doanh nghiệp sẵn lòng chi trả cho các dịch vụ hệ sinh thái một cách tự nguyện.
Trong khuôn khổ dự án Đánh giá bản chất của hiện tượng Chuyển tiếp rừng ở Việt Nam (FTViet), Trung tâm CORENARM đang hỗ trợ các cộng đồng thôn được giao quản lý và bảo vệ rừng tự nhiên triển khai Quyết định 62/QĐ-UBND ngày 07/10/2019 về Quy chế quản lý rừng cộng đồng, bao gồm xây dựng và triển khai Phương án Quản lý rừng bền vững (QLRBV); Kế hoạch quản lý rừng hàng năm và Quy ước Quản lý và Bảo vệ rừng cộng đồng. Từ năm 2020 đến nay, CORENARM đã hỗ trợ 09 cộng đồng quản lý rừng tự nhiên trên địa bàn hai huyện miền núi A Lưới và Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ghi nhận những thành công đó và theo định hướng quản lý rừng bền vững gắn với giảm phát thải, UBND huyện A Lưới đã có kế hoạch phối hợp với Hội chủ rừng phát triển bền vững Thừa Thiên Huế (TTH-FOSDA) và Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Quản lý Tài nguyên (CORENARM) tiếp tục hợp tác hỗ trợ cộng đồng Lê Triêng 1, thôn A Niêng-Lê Triêng 1, xã Trung Sơn quản lý bảo vệ hiệu quả diện tích rừng tự nhiên được giao, tham gia vào Chứng chỉ rừng FSC và bước đầu tiếp cận Chứng chỉ Dịch vụ Hệ sinh thái (ForCES).
Căn cứ Kế hoạch số 50 KH/UBND ngày 22 tháng 02 năm 2023 của UBND huyện A Lưới về Kế hoạch hỗ trợ cộng đồng Lê Triêng 1, xã Trung Sơn tham gia chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC, sáng ngày 21/03/2023, đại diện UBND huyện A Lưới, TTH-FOSDA và CORENARM đã thống nhất và tiến hành ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác thực hiện“Hỗ trợ các cộng đồng quản lý rừng tự nhiên tham gia chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC và tiếp cận chứng nhận dịch vụ hệ sinh thái ForCES” giai đoạn 2023-2027 tại Văn phòng HĐND và UBND huyện A Lưới.
Buổi ký kết Ghi nhớ có sự tham gia của Ông Hồ Văn Ngưm – Phó chủ tịch UBND huyện A Lưới; Ông Võ Văn Dự – Chủ tịch Hội chủ rừng phát triển bền vững Thừa Thiên Huế (TTH-FOSDA) và Ông Ngô Trí Dũng – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Quản lý Tài nguyên (CORENARM) cùng các bên liên quan tại địa phương.
Phát biểu tại buổi lễ, Ông Hồ Văn Ngưm – Phó chủ tịch UBND huyện đã gửi lời cảm ơn đến CORENARM, TTH – FOSDA và nhấn mạnh buổi lễ ký kết lần này sẽ mở ra cơ hội và đánh dấu bước ngoặt lớn về hiệu quả quản lý rừng tự nhiên tham gia chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC và tiếp cận chứng nhận dịch vụ hệ sinh thái ForCES tại cộng đồng Lê Triêng 1, xã Trung Sơn nói riêng và huyện A Lưới nói chung. UBND huyện A Lưới sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các bên liên quan thực hiện tốt vai trò và nhiệm vụ của mình.
Đại diện UBND huyện A Lưới đọc Biên bản Ghi nhớ
Theo như biên bản ghi nhớ đã được ký, UBND huyện A Lưới và TTH-FOSDA, CORENARM sẽ cùng nhau hợp tác thực hiện các hoạt động hỗ trợ các cộng đồng quản lý rừng tự nhiên bền vững và tiếp cận chứng chỉ dịch vụ Hệ sinh thái trên địa bàn huyện A Lưới nhằm đạt được các mục tiêu sau:
1. Tăng cường năng lực quản lý cho các cộng đồng quản lý rừng tự nhiên thông qua các hoạt động xây dựng phương án QLRBV, kế hoạch BVR hàng năm, giám sát và theo dõi các tác động/thay đổi trên diện tích rừng được giao
2. Hỗ trợ cộng đồng tiếp cận các nguồn lực để vừa nâng cao thu nhập cho người dân tham gia bảo vệ rừng, vừa giúp tăng cường hiệu quả các hoạt động bảo vệ và giúp phục hồi, phát triển vốn rừng được giao thông qua kết nối với các sáng kiến dịch vụ hệ sinh thái, tiếp cận thị trường lâm sản ngoài gỗ, thị trường cacbon, và các kênh hỗ trợ khác.
3. Phối hợp xây dựng và thực thi các đề xuất dự án liên quan đến mục đích quản lý bền vững tài nguyên rừng tự nhiên do cộng đồng thôn/nhóm đang quản lý.
4. Đối với TTH-FOSDA và CORENARM sẽ xem xét phối hợp hỗ trợ nhân rộng thành công ở huyện A Lưới để triển khai cho các Cộng đồng được giao rừng khác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế khi có điều kiện phù hợp.
Các khách mời chụp ảnh lưu niệm
Buổi lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các bên liên quan đã diễn ra thành công, tốt đẹp và có hiệu lực kể từ ngày ký kết.
Chiều ngày 15/02/2023, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp tỉnh “Nghiên cứu giải pháp quy hoạch và phát triển tài nguyên dược liệu theo các tiểu vùng sinh thái của tỉnh Thừa Thiên Huế” do Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn quản lý tài nguyên làm Đơn vị chủ trì.
TS. Hồ Thắng – Giám đốc Sở KH&CN Chủ tịch Hội đồng, Chủ trì Hội nghị
Mục tiêu nghiên cứu đề tài nhằm đánh giá thực trạng nguồn tài nguyên dược liệu theo các tiểu vùng sinh thái khác nhau trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Đề xuất quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu tài nguyên cây thuốc cho các tiểu vùng sinh thái khác nhau (vùng đồi, vùng núi, vùng cát) dựa trên các dẫn liệu phân bố tự nhiên, sinh thái (tính chất đất, độ ẩm, địa hình) và tập quán sử dụng.
Báo cáo kết quả tại Hội nghị, ông Ngô Trí Dũng – Chủ nhiệm đề tài cho biết: “Kết quả thực hiện đề tài đã xác định được 42 cây dược liệu và được phân làm ba nhóm theo các mức độ ưu tiên để phát triển theo từng giai đoạn; Thiết lập được hệ thống bản đồ hiện trạng và quy hoạch cho 25 loài ưu tiên cao, phân theo các vùng sinh thái và đơn vị hành chính cấp huyện, với diện tích và vị trí cụ thể; Công bố 02 bài báo trên tạp chí khoa học (tỉnh/trung ương), 01 phóng sự về đề tài trên truyền hình địa phương; Đề xuất Phương án quy hoạch bảo tồn và phát triển các nhóm loài dược liệu tiềm năng theo các tiểu vùng sinh thái; Xây dựng dự thảo Đề án phát triển dược liệu theo các tiểu vùng sinh thái/đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh”.
Ông Ngô Trí Dũng – Chủ nhiệm đề tài, báo cáo kết quả tại Hội nghị
Tại Hội nghị, các thành viên trong Hội đồng phản biện đánh giá cao tính mới của đề tài cũng như tiến độ thực hiện, kết quả sản phẩm của nhóm nghiên cứu. Đề tài đã mang lại nhiều giá trị khoa học và giá trị thực tiễn cao, các nguồn số liệu đảm bảo về mặt khoa học, số liệu điều tra đảm bảo độ tin cậy cao, nội dung công việc, sản phẩm trình bày rõ ràng, minh bạch. Qua đó, Hội đồng đề nghị nhóm nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung thêm lộ trình nghiên cứu, các nhân tố tác động đến triển khai Đề án, biểu mẫu khảo sát cộng đồng cũng như bổ sung các giải pháp thực hiện Đề án quy hoạch.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, TS. Hồ Thắng – Giám đốc Sở KH&CN đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài, các phương pháp đánh giá phân tích thực trạng phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu toàn diện các ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng. Bên cạnh đó, cần làm rõ phần tổng quan, các tiểu vùng kinh tế; phân tích cụ thể sự cấp thiết của xây dựng quy hoạch, tính hiệu quả đối với các ngành kinh tế; đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức trong dự thảo đề án quy hoạch. Đồng thời, đưa ra các dự báo, ưu tiên định hướng cho doanh nghiệp tham gia đầu tư, phát triển các loài cây dược liệu tiềm năng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, góp phần bổ sung các cơ sở dữ liệu khoa học về cây dược liệu phục vụ quá trình nghiên cứu, hoạch định chính sách cho các cơ quan quản lý, cung cấp thêm thông tin, tri thức cho người dân.
Nguồn: Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày 30 tháng 01 năm 2023, tại Hội trường Văn phòng HĐND và UBND huyện, Ủy ban nhân dân huyện A Lưới đã có buổi làm việc với Hội Chủ rừng Phát triển bền vững (TTH-FOSDA) và Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Quản lý Tài nguyên (CORENARM) tỉnh Thừa Thiên Huế về hỗ trợ cộng đồng dân cư thôn Lê Triêng 1, xã Trung Sơn quản lý rừng bền vững, có chứng chỉ rừng FSC để thực hiện thí điểm việc hưởng lợi từ dịch vụ hệ sinh thái khi có điều kiện thuận lợi.
Tham dự hội nghị, có đại diện lãnh đạo các đơn vị: Phòng Nông nghiệp và PTNT, Hạt Kiểm lâm huyện, UBND xã Trung Sơn và đại diện cộng đồng dân cư thôn Lê Triêng 1; Đại diện lãnh đạo TTH-FOSDA và CORENARM.
Hội nghị đã được nghe ông Võ Văn Dự – Chủ tịch TTH-FOSDA và ông Ngô Trí Dũng – Giám đốc CORENARM báo cáo nội dung và biện pháp về hỗ trợ cộng đồng dân cư thôn Lê Triêng 1, xã Trung Sơn quản lý rừng bền vững, có chứng chỉ rừng FSC để thực hiện thí điểm việc hưởng lợi từ dịch vụ hệ sinh thái khi có điều kiện thuận lợi và ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự cuộc họp.
Theo như thống nhất tại buổi làm việc thì kế hoạch hỗ trợ cộng đồng dân cư thôn Lê Triêng 1, xã Trung Sơn quản lý rừng bền vững, có chứng chỉ rừng FSC sẽ được thực hiện từ 2/2023 đến 8/2023 với 5 hoạt động chủ chốt như sau:
– Xây dựng phương pháp và công cụ điều tra, đánh giá hiện trạng rừng tự nhiên (đa dạng sinh học, khả năng hấp thụ cacbon) được giao cho cộng đồng Lê Triêng 1;
– Rà soát Phương án QLRBV 05 năm (2021-2025) của cộng đồng Lê Triêng 1, và hỗ trợ xây dựng Kế hoạch QL&BVR năm 2023
– Khảo sát, đo đếm hiện trường để xác định các chỉ số DDSH và Cacbon;
– Xây dựng Bản đồ hiện trạng lưu trữ cacbon của các trạng thái RTN do cộng đồng Lê Triêng 1 quản lý.
– Xử lý số liệu và viết báo cáo.
Phát biểu kết thúc hội nghị, Đồng chí Hồ Văn Ngưm – Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới đề nghị TTH-FOSDA và CORENARM phối hợp chặt chẽ với Phòng Nông nghiệp và PTNT, Hạt Kiểm lâm huyện, UBND xã Trung Sơn nhằm thực hiện kế hoạch theo đúng tiến độ đã thống nhất.
Hiện nay, tổng diện tích rừng tự nhiên giao cho Công đồng quản lý là 942,7 ha với 145 lô (Theo Quyết định số 2759/QĐ-UBND ngày 26 tháng 12 năm 2013 của UBND Huyện A Lưới về việc điều chỉnh diện tích và trạng thái rừng tự nhiên đã giao cho cộng đồng dân cư thôn Lê Triêng 1, xã Trung Sơn, huyện A Lưới).
Việc tham gia chứng chỉ rừng Quản lý rừng bền vững FSC sẽ giúp cộng đồng Lê Triêng 1, xã Trung Sơn quản lý và bảo vệ rừng, giữ rừng, ổn định sản xuất lâm nghiệp và phát triển lâu dài, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn; được hưởng lợi từ dịch vụ chi trả môi trường rừng và các dịch vụ khác, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và an sinh xã hội. Đồng thời, khi đã có được chứng nhận dịch vụ hệ sinh thái, sẽ mở ra nhiều cơ hội giúp cộng đồng bảo vệ rừng tiếp cận các nhà tài trợ.
Một số hình ảnh trong buổi làm việc sáng ngày 30/01/2023 tại Hội trường Văn phòng HĐND và UBND huyện A Lưới
Hiện nay, nhu cầu sử dụng viên nén gỗ trên thị trường thế giới đang tăng mạnh. Đặc biệt, gần đây do cuộc xung đột Nga-Ukraine càng khiến các quốc gia khu vực EU có nhu cầu viên nén gỗ mạnh mẽ.
Với thị trường EU, tiềm năng lớn nhưng để đảm bảo được yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu sang EU đòi hỏi các sản phẩm gỗ phải có chứng nhận FSC.
Xuất phát từ những nhu cầu cấp thiết về vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC của Công ty Nguyên liệu giấy Quảng Trị và được sự đồng ý của chính quyền địa phương, trong 02 ngày 3-4/2/2023, Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Quản lý Tài nguyên phối hợp với Công ty Nguyên liệu giấy Quảng Trị tổ chức hội thảo “Giới thiệu và tập huấn chứng chỉ rừng FSC” tại 3 xã có diện tích rừng lớn của huyện Hải Lăng là Hải Sơn, Hải Trường và Hải Lâm.
Toàn cảnh hội thảo diễn ra tại hội trường của 3 xã Hải Sơn, Hải Trường và Hải Lâm.
Hoạt động này góp phần tạo ra vùng nguyên liệu được quản lý bền vững về kinh tế – môi trường – xã hội, đáp ứng các nguyên tắc của Bộ tiêu chuẩn FSC, ổn định đầu vào cho Công ty Nguyên liệu giấy Quảng Trị. Đồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh rừng trồng của các hộ dân, cải thiện chất lượng đời sống của người dân trên địa bàn huyện Hải Lăng Tham gia có ông Nguyễn Trung Kiên – PGD công ty TNHH Nguyên liệu giấy Quảng Trị, ông Ngô Trí Dũng – GĐ Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Quản lý Tài nguyên, đại diện lãnh đạo các xã, trưởng thôn và các hộ dân có diện tích rừng lớn trên địa bàn xã Hải Sơn, Hải Trường và Hải Lâm.
Tại hội thảo, TS.Ngô Trí Dũng – Giám đốc Trung tâm và là chuyên gia tư vấn chứng chỉ FSC đã trình bày các thông tin về Quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC và giải đáp các thắc mắc của người dân xoay quanh chứng chỉ FSC/FM.
Cũng có mặt tại hội thảo, Ông Nguyễn Trung Kiên – Phó giám đốc Công ty TNHH Nguyên liệu Giấy Quảng Trị đã chia sẻ với người dân, gỗ của rừng trồng được chứng nhận bảo vệ rừng FSC có giá bán cao hơn từ 15 – 20% so với gỗ của rừng trồng thông thường, điều này không chỉ mang lại lợi nhuận cao cho người trồng rừng, mà đặc biệt hơn là sản phẩm gỗ của tỉnh thâm nhập được vào thị trường quốc tế với giá trị cao, lúc đó ngành lâm nghiệp của tỉnh sẽ phát triển ngày càng bền vững hơn. Vì vậy, việc chủ rừng tham gia nhóm chứng chỉ rừng huyện Hải Lăng vừa mang lại lợi nhuận cao cho bà con vừa giúp cho doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định để phục vụ sản xuất viên gỗ.
Ông Nguyễn Trung Kiên – Phó giám đốc Công ty Nguyên liệu giấy Quảng Trị đang phát biểu
Dự kiến sau, Trung tâm sẽ phối hợp với chính quyền các xã để có kế hoạch truyền thông đến từng thôn trong các xã và tổ chức các buổi đăng ký tham gia Quản lý rừng bền vững và CCR FSC trong thời gian tới.
Sáng ngày 14/01/2023, Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Quản lý tài nguyên đã tổ chức họp Hội đồng nghiệm thu đề tài cấp cơ sở sau khi đã hoàn thành các sản phẩm của đề tài cấp tỉnh.
Tên đề tài: “Nghiên cứu giải pháp quy hoạch và phát triển tài nguyên dược liệu theo các tiểu vùng sinh thái khác nhau của tỉnh Thừa Thiên Huế”. Mã số: TTH.2020-KC.08 được thực hiện từ tháng 09/2021 đến hết tháng 02/2023, do TS.Ngô Trí Dũng là chủ nhiệm đề tài.
Dự buổi nghiệm thu có: PGS.TS Trương Thị Hồng Hải – Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS. Nguyễn Văn Lợi – Phản biện 1; TS.Ngô Tùng Đức – Phản biện 2; PGS.TS.Trương Thị Bích Phượng; PGS.TS Hồ Việt Đức; TS. Nguyễn Vũ Linh; Th.S Lê Nguyễn Thới Trung cùng các thành viên của đề tài và thành viên Trung tâm CORENARM.
Thành viên Hội đồng nghiệm thu
Theo nhóm nghiên cứu, các nghiên cứu về tài nguyên dược liệu Thừa Thiên Huế rất phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, chưa có đề tài nào tập trung đi sâu vào quy hoạch vùng phân bố tự nhiên cũng như xây dựng bản đồ quy hoạch vùng thích nghi cho việc gây trồng (phát triển) các loài dược liệu có giá trị. Điều này cho thấy tính cấp thiết cần phải xây dựng quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển dược liệu cho tỉnh Thừa Thiên Huế làm nền tảng cho các chương trình phát triển dược liệu khác, cũng như các kế hoạch đầu tư của các doanh nghiệp trong tương lai.
Tại buổi nghiệm thu, TS. Ngô Trí Dũng thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày tóm tắt các kết quả của đề tài và NCS. Trần Quốc Cảnh đã trình bày về các sản phẩm bản đồ quy hoạch vùng dược liệu trên địa bàn tỉnh.
Ông Trần Quốc Cảnh – thành viên đề tài đang trình bày sản phẩm bản đồ quy hoạch của các loài dược liệu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Nhận xét về đề tài, Hội đồng nghiệm thu cho rằng đây là sản phẩm nghiên cứu có giá trị khoa học, có tính ứng dụng cao. Đề tài đã làm rõ được một bức tranh thành phần loài đa dạng sinh học xuất hiện tại 5 tiểu vùng sinh thái hiện có trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao tính thực tiễn và những đóng góp của đề tài, bên cạnh đó cũng đưa ra các nhận xét, góp ý khoa học, thiết thực và cụ thể nhằm giúp cho nhóm nghiên cứu hoàn thiện đề tài. Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến nhận xét của thành viên Hội đồng khoa học, Chủ tịch Hội đồng kết luận: Đây là đề tài khoa học được tổ chức thực hiện nghiêm túc, có cơ sở lý luận và thực tiễn đạt yêu cầu; các phương pháp nghiên cứu phù hợp với mục đích, phạm vi nghiên cứu. Xét về nội dung, yêu cầu của một đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, đề tài đã đáp ứng được các mục tiêu đề ra, đáp ứng yêu cầu của đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở.
Kết quả nghiệm thu cấp cơ sở, đề tài đã đạt theo yêu cầu đặt ra với 8 phiếu đạt yêu cầu.
Phát biểu kết thúc buổi nghiệm thu, PGS.TS Trương Thị Hồng Hải – Chủ tịch Hội đồng đề nghị nhóm thành viên đề tài nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý của Hội đồng, hoàn thiện đề tài nâng cao chất lượng hơn nữa, đạt kết quả xuất sắc trong lần nghiệm thu chính thức.
Thừa Thiên Huế là tỉnh được xem là có vị trí, đặc điểm địa lý, tự nhiên đa dạng với nguồn dược liệu phong phú về chủng loại lẫn công dụng làm thuốc.
Theo thống kê từ các công bố về các loài thực vật có tác dụng làm thuốc cho thấy, Thừa Thiên Huế có hơn 1.600 loài, chiếm hơn 30% tổng số loài cây thuốc của cả nước. Trong đó có nhiều cây dược liệu quý như bảy lá một hoa, ba kích, sâm cau,…
Sở hữu nhiều lợi thế, song giá trị của cây dược liệu hiện nay chưa được tổ chức sản xuất mang lại nhiều lợi ích về kinh tế. Nhiều nguồn tài nguyên dược liệu tự nhiên đang ngày một cạn kiệt, nhiều loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, cây dược liệu nuôi trồng đang bị thu hẹp hoặc phát triển một cách tự phát mất cân đối. Sự giảm sút nguồn dược liệu có nhiều nguyên nhân, có thể chủ quan lẫn khách quan như chiến tranh, sự khai thác tràn lan, trình độ nhận thức con người còn hạn chế nhất là tại vùng miền núi nơi có nhiều tài nguyên sinh vật.
Xuất phát từ những vấn đề thực tiễn trên, ngày 30/06/2021, TS. Hồ Thắng – giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức hội nghị Giao trực tiếp tổ chức cá nhân chủ trì đề tài Khoa học Công nghệ “Nghiên cứu giải pháp quy hoạch và phát triển tài nguyên dược liệu theo các tiểu vùng sinh thái khác nhau của tỉnh Thừa Thiên Huế” do TS. Ngô Trí Dũng – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Quản lý Tài nguyên làm chủ nhiệm.
Đề tài thực hiện từ tháng 09/2021 đến tháng 03/2022. Với 2 mục tiêu chính:
– Đánh giá được thực trạng nguồn tài nguyên dược liệu theo các tiểu vùng sinh thái khác nhau trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
– Đề xuất quy hoạch vùng phát triển nguyên liệu tài nguyên cây thuốc cho các tiểu vùng sinh thái khác nhau dựa trên các dẫn liệu phân bố tự nhiên, sinh thái và tập quán sử dụng.
Cùng #CORENARM nhìn lại quá trình thực hiện và kết quả của đề tài qua phóng sự ngắn dưới đây.
Dự án FTVietlà dự án “Đánh giá bản chất của hiện tượng “chuyển tiếp rừng” ở Việt Nam: Dịch vụ hệ sinh thái và khả năng phục hồi của hệ sinh thái – xã hội ở những diện tích rừng do địa phương quản lý” trong thời gian 6 năm từ 01/09/ – 31/08/2023.
Dự án có 04 hợp phần chính, bao gồm: (i) Hợp phần nghiên cứu Sinh thái; (ii) Hợp phần nghiên cứu Kinh tế – Xã hội; (iii) Hợp phần Nâng cao năng lực; (iv) Hợp phần Thúc đẩy chính sách.
Trong năm 2022, dự án tập trung vào hợp phần Thúc đẩy chính sách, trong đó có hoạt động có phục hồi một số diện tích rừng nghèo bằng các loài cây bản địa phù hợp tại các khu vực rừng cộng đồng tại huyện Nam Đông và huyện A Lưới.
Bên cạnh đó, FTViet cũng phối hợp với Hạt kiểm lâm huyện A Lưới tổ chức Hội thảo sơ kết về thực trạng và các thách thức trong Quản lý rừng cộng đồng theo Quyết định 62/2019 của UBND tỉnh về Ban hành Quy chế Quản lý rừng cộng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Chi tiết các hoạt động của dự án FTViet trong 2022.
2022 là năm đánh dấu sự trở lại của mọi hoạt động sau hơn hai năm bị ảnh hưởng của Covid-19, ắt hẳn mỗi doanh nghiệp đều có những câu chuyện riêng của mình.
Đối với Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Quản lý Tài nguyên (CORENARM), đây là một năm CORENARM thực hiện được nhiều dự án, công việc đúng như mục tiêu đã đặt ra.
Với Dự án: Đánh giá bản chất của hiện tượng “chuyển tiếp rừng” ở Việt Nam: dịch vụ hệ sinh thái và khả năng phục hồi hệ sinh thái – xã hội ở những diện tích rừng do địa phương quản lý (FTViet)
CORENAMR đã phối hợp với các đơn vị: Ban Quản lý Rừng phòng hộ (BQL RPH) A Lưới; BQL RPH Nam Đông, Hạt Kiểm lâm A Lưới, Hạt Kiểm lâm Nam Đông,…Triển khai các hoạt động: Hỗ trợ về kinh phí và nâng cao năng lực cho một cộng động ở 02 huyện Nam Đông và A Lưới về quản lý và phục hồi một số diện tích rừng nghèo bằng các loài cây bản địa phù hợp, đo đếm trữ lượng rừng trồng và rừng tự nhiên tại một số ô tiêu chuẩn tại A Lưới và thu thập dữ liệu khí tượng, thuỷ văn tại một số lưu vực ở A Lưới.
Phối hợp với Hạt kiểm lâm huyện A Lưới tổ chức Hội thảo sơ kết về thực trạng và các thách thức trong Quản lý rừng cộng đồng theo Quyết định 62/2019 của UBND tỉnh về Ban hành Quy chế Quản lý rừng cộng trên địa bàn tỉnh TT Huế.
Với Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu giải pháp quy hoạch và phát triển tài nguyên dược liệu theo các tiểu vùng sinh thái khác nhau của tỉnh Thừa Thiên Huế”.
CORENARM đã triển khai hoạt động khảo sát hiện trường một số mô hình dược liệu tại tỉnh Thừa Thiên Huế và các vùng phụ cận; khảo sát vùng phân bố tự nhiên một số loài dược liệu trong danh mục ưu tiên;
Tổ chức 02 hội thảo Tham vấn về kết quả nghiên cứu quy hoạch và phát triển các loài dược liệu tiềm năng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tại huyện Nam Đông và huyện Quảng Điền.
Với hoạt động tư vấn Quản lý rừng bền vững: CORENARM tiếp tục là đơn vị tư vấn uy tín cho các đơn vị.
Tiếp tục hỗ trợ cho công ty Cổ phần sản xuất và thương mại gỗ Thanh Chương trong quá trình tư vấn duy trì và mở rộng Chứng chỉ nhóm FSC (FM/CoC) cho Nhóm Chứng chỉ rừng huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
Hỗ trợ công ty Cổ phần đầu tư Thúy Sơn (Cà Mau) trong quá trình tư vấn, tập huấn nâng cao năng lực và xây dựng hồ sơ xin cấp chứng nhận Chứng chỉ nhóm FSC (FM/CoC) cho Nhóm Chứng chỉ rừng Thúy Sơn, Cà Mau.
Những thành công của năm 2022 sẽ là động lực để các thành viên của CORENARM cố gắng nhiều hơn nữa trong năm 2023.
Nhìn lại suốt chặng hành trình vừa qua, CORENARM muốn gửi lời cảm ơn chân thành đến quý đối tác đã tin tưởng, lựa chọn CRN làm người bạn đồng hành trên bước đường phát triển của doanh nghiệp mình.
Chi tiết các hoạt động của CORENARM trong 2022. Xin vui lòng xem tại đây.
Ngày 19/12/2022, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Hội thảo khoa học “Quy hoạch phân vùng nguyên liệu dược liệu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế” . Đây là cơ hội để các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp trao đổi, chia sẻ các vấn đề liên quan đến phát triển ngành dược liệu trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung vào việc đánh giá thực trạng phát triển ngành dược liệu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế về vùng dược liệu; cơ sở sơ chế, chế biến và chiết xuất dược liệu; thương mại hóa; các kênh phân phối và tiêu thụ sản phẩm, sản xuất giống…. Từ đó bàn luận hướng đến giải pháp quy hoạch phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm tạo vùng nguyên liệu bền vững cho ngành công nghiệp dược liệu phát triển, xây dựng định hướng trồng, khai thác gắn với bảo tồn các loài dược liệu tại địa phương.
Hội thảo có sự chủ trì của TS. Hồ Thắng – Giám đốc Sở KH&CN, PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải – Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học, Đại học Huế, TS. Ngô Trí Dũng – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Quản lý Tài nguyên.
Về việc Ứng dụng KH&CN trong phát triển vùng dược liệu, TS. Hồ Thắng – Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, giai đoạn từ năm 2020 đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai thực hiện 13 nhiệm vụ KH&CN về dược liệu, gồm: 02 dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi; 02 dự án thuộc Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ; 09 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh. Trong đó, có 11 nhiệm vụ phục vụ cho việc phát triển vùng nguyên liệu dược liệu trên địa bàn tỉnh.
TS. Hồ Thắng – Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại hội thảo
Ông cũng cho biết, hoạt động nghiên cứu khoa học mặc dù có những kết quả khích lệ, nhất là ứng dụng trong phát triển dược liệu, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều hạn chế. Đó là việc chưa có sự gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với hoạt động sản xuất kinh doanh dược liệu, nên chưa phát huy được các kết quả của nghiên cứu khoa học để ứng dụng vào thực tiễn. Đầu tư cơ sở vật chất cho các nghiên cứu khoa học còn nhiều hạn chế, dàn trải. Công tác nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong sản xuất giống cây dược liệu, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng giống cây dược liệu, kỹ thuật nuôi trồng, bảo tồn và phát triển nguồn gen cây dược liệu, tiêu chuẩn hóa, sản xuất thành phẩm chưa được quan tâm nhiều và đầu tư đủ mạnh…
Góp mặt ở hội thảo với vai trò là 1 trong 3 đại biểu chủ trì hội thảo và là chủ nhiệm của đề tài NCKH cấp tỉnh “Nghiên cứu giải pháp Quy hoạch và Phát triển tài nguyên dược liệu theo các tiểu vùng sinh thái khác nhau của tỉnh Thừa Thiên Huế”, TS.Ngô Trí Dũng – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Quản lý Tài nguyên (CORENARM) đã có báo cáo sơ bộ một số kết quả nghiên cứu giải pháp quy hoạch và phát triển tài nguyên dược liệu theo các tiểu vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
TS. Ngô Trí Dũng – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Quản lý Tài nguyên báo cáo sơ bộ một số kết quả nghiên cứu giải pháp quy hoạch và phát triển tài nguyên dược liệu theo các tiểu vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo đó, TS.Ngô Trí Dũng chia sẻ thêm: “Để phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh thì vấn đề mấu chốt là giải quyết thị trường đầu ra, đây là một trong những khó khăn phổ biến mà chủ mô hình gặp phải trong quá trình gây trồng dược liệu. Nhiệm vụ này được thực hiện bởi không ai khác ngoài doanh nghiệp. Theo kết quả khảo sát cho thấy bước đầu đã có một số mô hình được hỗ trợ bởi các tổ chức, đơn vị. Trong đó đặc biệt có mô hình trồng Cà gai leo 1500m2 tại xã Thuỷ Bằng thành phố Huế đã được Công ty Cổ phần Dược phẩm Mediphaco đầu tư, quản lý và trực tiếp sử dụng sản phẩm. Ở mô hình này, kỹ thuật trồng đã được chú trọng từ khâu tuyển chọn nguồn giống, lựa chọn vùng đất, đến kỹ thuật trồng, chăm sóc, kể cả chất lượng nước tưới. Đây là khuynh hướng được đánh giá là có hiệu quả hiện nay trong phát triển nguồn dược liệu, vừa đảm bảo được đầu ra, vừa quản lý được chất lượng toàn bộ quá trình. Theo đó, việc tăng cường mô hình liên kết “bốn nhà”: Nhà nước – Nhà khoa học – Nhà doanh nghiệp – Nhà nông, trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm sẽ giúp ngành dược liệu phát triển xuyên suốt theo hướng đi bền vững”.
Từ các bài học kinh nghiệm, cả lý luận và thực tiễn trong nghiên cứu phát triển dược liệu thời gian qua, PGS.TS Trương Thị Hồng Hải – Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học chia sẻ một số mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN để nhân giống các loài dược liệu tiềm năng, phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu và thổ nhưỡng, tiến tới xây dựng các quy trình theo chuỗi giá trị, chuỗi liên kết để phát triển dược liệu bền vững. Việc nghiên cứu xây dựng thành công quy trình này góp phần quan trọng vào việc bảo tồn nguồn giống và tạo ra nguồn dược liệu quý đặc hữu của địa phương.
Kết thúc hội thảo, Giám đốc Sở KH&CN TS. Hồ Thắng đánh giá cao tham luận của các đại biểu từ nhiều khía cạnh khác nhau. Qua các báo cáo tham luận, trao đổi góp ý đã nói lên những tâm huyết, những kinh nghiệm, thực trạng và đặc biệt đề xuất các giải pháp để phát triển dược liệu bền vững tại địa phương.
Bạn phải đăng nhập để bình luận.